Lên rồi… khó xuống
Thở dài khi chìa giỏ hàng với một dải thịt ba chỉ tầm nửa ký, bó rau muống, 2 trái cà chua, chị Đỗ Thị Hằng (36 tuổi, ngụ quận 10) cho biết, mua ở chợ có bấy nhiêu mà ngót nghét gần 200.000 đồng. “Thịt ba chỉ trước chỉ có 120.000 đồng/kg, nay đã tăng thêm 30.000 đồng. Rau muống, cà chua cũng nhích giá thêm 3.000-5.000 đồng. Khi giá xăng tăng, y như rằng hôm sau hàng hóa cũng nhảy theo vì tiểu thương “đổ” tại xăng; nhưng bây giờ giá xăng giảm thì họ bảo do đầu mối cung cấp không giảm giá nên tiểu thương không hạ giá được”.
Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, khi xăng dầu tăng giá, rất nhiều DN tăng giá hàng hóa theo nhưng đến lúc giá xăng dầu giảm xuống thì ít có đơn vị nào chủ động giảm giá. Thực tế, khi giá hàng hóa tăng cao, việc kinh doanh buôn bán sẽ trở nên khó khăn hơn nên nếu xăng dầu giảm giá và giữ ổn định trong thời gian dài thì chắc chắn các DN và giới kinh doanh sẽ buộc phải điều chỉnh giảm giá để bán được hàng và tránh mất khách.
Theo chị Lâm Hoa, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), giá các mặt hàng sữa vẫn tăng, mỗi thùng tăng hơn 10.000 đồng. Mỹ phẩm, bột giặt cũng tăng mạnh. Để giữ cho giá không tăng, nhà sản xuất điều chỉnh từ bao 6 kg xuống còn 5,7 kg nhưng giá thành vẫn thế. Hay các mặt hàng mì ăn liền cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm. Thậm chí mới đây, giá một thùng mì tăng hơn 10.000 đồng. Cá biệt có loại trong vòng một tháng đã tăng giá hai lần. Ví dụ, mì Hảo Hảo trước chỉ bán khoảng 105.000 đồng/thùng thì giờ lên 110.000 đồng/thùng. “Giá cao, người mua hạn chế nên chúng tôi buôn bán rất ế ẩm” - chị Hoa bộc bạch.
Hàng hóa ở chợ giá vẫn còn cao ảnh: U.P |
Khảo sát tại nhiều quán ăn bình dân trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Thành Thái (quận 10), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… giá các món ăn vẫn “giữ giá bền vững” sau khi tăng từ 5.000-10.000 đồng/phần do… xăng lên 32.000 đồng/lít hồi tháng 6 vừa qua. Cụ thể, cơm tấm 40.000 đồng/phần, bún bò 50.000 đồng/phần, bánh mì - xôi 20.000 đồng/phần… “Điều đáng nói đây là những quán ăn vỉa hè, không thương hiệu mà còn giá đó. Chúng tôi là dân lao động, cơm hàng cháo chợ trước đây chỉ cần 15.000 đồng là có tô hủ tiếu gõ lót dạ mỗi sáng, nay phải tới 25.000 đồng/tô, trong khi lương không tăng thêm” - ông Vũ Văn Tịnh (62 tuổi, tài xế) buồn hiu, nói.
Đại diện một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TPHCM cho biết cần độ trễ để điều chỉnh cước ảnh: H.H |
Điều đáng nói, trong khi nhiều hàng hoá vẫn “neo” ở mức giá cao thì cước vận tải hàng hoá đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Hà Quốc Nam, đại diện một doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa có trụ sở tại huyện Bình Chánh cho biết, đơn vị đã giảm cước vận chuyển xuống khoảng 15-20%. “Lúc giá xăng dầu đạt đỉnh, một chuyến hàng đi từ Bình Chánh (TPHCM) đến Bình Dương mất khoảng 1,3-1,4 triệu đồng tiền xăng dầu. Nhưng hiện nay chi phí chỉ còn khoảng dưới 1,1 triệu đồng”- ông Nam cho biết.
Đại diện Công ty vận chuyển Á Châu cho rằng, khác với các DN vận tải hành khách, DN vận tải hàng hóa có thể điều chỉnh giá cước với hợp đồng cũ ngay khi giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, với hợp đồng mới thì phải chờ nghe ngóng thêm, vì cần có độ trễ điều chỉnh giá. “Trong các hợp đồng của DN đều quy định rõ giá xăng dầu chiếm 35% tỷ trọng giá cước vận tải, khi giá mặt hàng này biến động trong phạm vi 10% thì giá vận chuyển sẽ thay đổi tương ứng”- đại diện Công ty Á Châu nói.
1001 lý do chưa giảm giá
Đối với cước vận tải hành khách, ghi nhận của PV Tiền Phong trong ngày 2/8, giá vé xe khách các tuyến ở TPHCM nhiều nơi vẫn chưa giảm. Đại diện một số nhà xe cho biết dù xăng dầu đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với một năm trước. Các đơn vị vận tải cần thời gian theo dõi thị trường xăng dầu ổn định rồi mới tính toán đến việc điều chỉnh giá cước. “Nếu tháng này giảm giá, tháng sau tăng trở lại thì hành khách sẽ phản ứng. Sau dịch bệnh, có một quãng thời gian dài hơn 6 tháng chúng tôi phải vừa chạy vừa bù lỗ để giữ khách. Nay giá xăng dầu giảm mạnh, chúng tôi đã nhẹ gánh phần nào chi phí nhưng để tính chuyện giảm giá cước thì phải theo dõi thêm”- ông Trần Công Hậu, chủ xe khách liên tỉnh tuyến TPHCM - Đăk Nông nói.
Theo ông Lê Trung Tín, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Đối với xe taxi, mỗi lần điều chỉnh sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục, đặc biệt là đưa tất cả các xe đi kiểm định, lập trình lại đồng hồ, sẽ tốn thêm nhiều chi phí.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 2/8, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) thừa nhận, giá cả hàng hóa leo thang vừa qua có phần tác động bởi giá xăng dầu. Tuy nhiên xăng dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi doanh nghiệp (DN) FFA đang đối mặt với nhiều sức ép từ giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao; tiền nhân công, điện nước, chi phí vận chuyển logistics... vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá. Nhiều DN FFA tham gia chương trình bình ổn của TPHCM nên việc điều chỉnh tăng giá là cả vấn đề.
Theo ông Dũng, giá xăng giảm liên tiếp 4 lần vừa qua là tín hiệu đáng mừng, giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa. Tuy nhiên để DN hoạt động hiệu quả, có thể kéo giá tiêu dùng xuống thì tôi cho rằng cần có thời gian, độ trễ. “Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa trong lĩnh vực tiêu dùng được kiểm soát được, một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường giá cả sẽ trở lại bình ổn. Còn nếu điều chỉnh giảm giá hàng hóa trong giai đoạn hiện nay thì cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa về cơ chế điều tiết giá trên thị trường” - ông Dũng nói.