Mỗi lần lên chơi, mẹ vợ thường xách theo trứng gà, rau xanh, hoa quả tự trồng hoặc những món quà tự làm. Trước đây, tôi luôn coi thường những món quà đó. Tôi cho rằng chúng không tương xứng với cuộc sống tiện nghi của mình.
Vả lại, lần nào bà đến, vợ tôi cũng tất tả tiếp đón nên nhà cửa bừa bộn. Tôi cũng không thích cách nói chuyện, cách ăn uống của mẹ vợ. Việc mẹ thường xuyên hỏi tôi cái này dùng thế nào, cái kia dùng ra sao khiến tôi thấy khó chịu.
Thế nên nhân lúc vợ đi vắng tôi thường bỏ mấy món quà quê vào thùng rác rồi vứt vội. Khi về, vợ hỏi, tôi nói mình đã ăn hết. Nhưng chuyện xấu không giấu được lâu, cuối cùng vợ cũng phát hiện chuyện tôi vứt quà của mẹ vào thùng rác.
Bởi món thanh long tự trồng mẹ mang từ quê lên là món tôi không hề thích. Chuyện "ăn hết" là không thể.
Người chồng nhận ra bài học từ những lời nói của vợ. Ảnh minh họa: FP |
Nhưng lạ là vợ tôi không giận, không cáu. Cô ấy chỉ lặng lẽ đi vào phòng và suốt buổi tối ấy, chúng tôi không nói chuyện với nhau.
Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc thì thấy vợ đang ngồi thút thít khóc trong phòng. Tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong việc này, nên hỏi han và an ủi vợ.
Lúc này vợ mới nói, cô ấy cảm thấy tủi thân, thương mẹ và rất buồn vì cách ứng xử của chồng. Hành động của tôi khiến vợ cảm thấy thất vọng vì trước giờ cô ấy tin tôi là người hiểu chuyện.
Vợ tôi nghẹn ngào: "Anh làm vậy là không tôn trọng mẹ em, không tôn trọng em. Mẹ sinh ra em vất vả, khổ sở nhưng chưa hề oán than. Bao năm nay, mẹ nuôi em khôn lớn cũng từ quả trứng, mớ rau, con tôm, con cá bắt ở sông.
Bố mẹ anh không làm nông, nhưng em tin ông bà cũng vất vả tần tảo sớm hôm, để giúp anh thành tài. Khi có tiền, có của anh lại không biết trân trọng người nghèo khó, không trân trọng bố mẹ mình thì anh khác gì kẻ vô ơn?
Mẹ có lẩm cẩm, có ăn nói khó nghe, có làm anh khó chịu thì vẫn là mẹ. Rồi sau này chúng ta cũng già, đi lại khó khăn, cũng phải trông cậy vào các con, các cháu. Nếu con anh hắt hủi, coi thường anh như cách anh đã làm, anh sẽ nghĩ sao?".
Từng lời vợ nói như dao cứa vào tim tôi. Tôi chợt thấy áy náy và nhận ra mình đúng là có chút ích kỉ, xấu tính. Vợ vẫn luôn tôn trọng, quan tâm bố mẹ tôi, vậy mà tôi lại...
Nhớ lại những lần trước mẹ đến thăm, tôi luôn lạnh nhạt và không mấy quan tâm nhưng bà không hề phật lòng, vẫn luôn tươi cười vui vẻ với con cháu. Mẹ bắt gà mang lên, tay chân trầy xước, bị gà mổ sưng mắt nhưng không hề than vãn.
Tôi dần thay đổi thái độ với mẹ vợ, dần đón nhận tất cả những thứ bà mang lên và gạt bỏ những suy nghĩ khó chịu, bực bội dù mẹ có bày bừa hay làm hỏng đồ đạc trong nhà mình.
Mỗi lần có hơi khó chịu, tôi lại nhớ tới lời vợ và nghĩ nếu đó là bố mẹ mình thì mình có ứng xử như vậy không. Và rồi tôi hiểu ra rằng, những món quà mẹ vợ mang đến chứa đựng tình cảm, sự hi sinh và lòng yêu thương của bà dành cho gia đình.
Tôi cũng nhận ra mình đã quá vô tâm và không hiểu được tấm lòng của mẹ. Bà đến thăm không phải vì muốn nhận được sự đón tiếp xa hoa, mà chỉ đơn giản muốn mang đến chút tình thương và sự quan tâm cho các con, các cháu.
Đó là tình yêu và lòng hy sinh vô điều kiện.