Hôm 23/6, 46,5 triệu cử tri Vương quốc Anh đi bỏ phiếu về việc nước này ở lại hoặc rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Vương quốc Anh tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit: Ở lại hay rời bỏ Liên minh Châu Âu? Ảnh theloadstar.co.uk |
Liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về Brexit này, báo Pháp Libération phân tích 5 lý do Vương quốc Anh nên ở lại Châu Âu và 5 lý do nước này nên rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Lý do đầu tiên Vương quốc Anh nên ở lại Liên minh Châu Âu (EU) là để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị lớn trong bối cảnh từ năm 2008 tới nay, các cuộc khủng hoảng cứ nối tiếp nhau ở Châu Âu mà chưa tìm ra giải pháp: khủng hoảng ngân hàng, kinh tế, khủng hoảng về Khu vực đồng euro, khủng hoảng di dân … Người ta e ngại về một tương lai không chắc chắn của Châu Âu, mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU, đầu tư bị đóng băng, thị trường tài chính và tiền tệ bị xáo động...
Lý do thứ hai là để tránh làm suy yếu sức mạnh địa chính trị và thương mại của Châu Âu.
Lý do thứ ba là nhằm buộc Châu Âu phải cải cách. Hiện nay, Vương quốc Anh đang ở thế “chân trong, chân ngoài” tại Liên minh Châu Âu, điều mà rất nhiều nước Châu Âu như Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc hằng mơ ước: Vương quốc Anh không phải là thành viên Khu vực đồng euro, không nằm trong khối Schengen, không tham gia chính sách an ninh và nhập cư của Liên minh Châu Âu và chỉ đóng góp một phần vào ngân sách chung...Tại sao Anh Quốc được hưởng những đặc lợi này mà các nước khác lại không ?
Lý do thứ tư là tránh cho Châu Âu trở thành một khu vực khép kín. Không có Vương quốc Anh, Châu Âu đã không trở thành một châu lục theo chủ trương tự do mậu dịch. Vương quốc Anh là nước rất tích cực trong việc mở rộng Liên minh Châu Âu sang khu vực Đông Âu. Nếu không có Vương quốc Anh thì đã không có việc mở rộng EU trong năm 2004. Và không phải vô cớ mà các nước khu vực Balkan đều muốn gia nhập EU, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn duy trì vị trí của mình tại Liên minh Châu Âu.
Và lý do thứ năm, Libération nói một cách hài hước là để “thêm gia vị” cho mối quan hệ Anh-Pháp. Trên thực tế, nhiều người Pháp ngầm muốn Vương quốc Anh rời khỏi EU để Pháp lấy lại vị thế trung tâm trong khối này. Nước Anh ở lại sẽ làm tiêu tan giấc mơ của người Pháp: sẽ không có Châu Âu theo đường lối xã hội và đánh thuế cao, không có chính sách công nghiệp chung, không tăng ngân sách chung và sẽ có chính sách cạnh tranh tự do. Nước Anh ở lại cũng sẽ khiến các nước không muốn Pháp-Đức thống trị EU “thở phào nhẹ nhõm”.
Theo Le Monde, lý do đầu tiên Vương quốc Anh nên rời Châu Âu là để không gây nguy hiểm cho EU: không một nước Đông Âu, Tây Âu nào muốn rời Liên minh Châu Âu và các cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ ý tưởng của người dân về việc ở lại hay rời châu Âu cũng không được phép diễn ra ở bất cứ nước nào. Các nước Trung Âu vốn hoài nghi cũng sẽ muốn ở lại không muốn từ bỏ khoản tiền nhận hàng năm từ ngân quỹ Châu Âu tương đương với 4% GDP của mỗi nước.
Lý do thứ hai là những khó khăn, thiệt hại mà nước Anh sẽ phải đối mặt sau Brexit sẽ là bài học nhãn tiền cho các nước không muốn ở lại Liên minh Châu Âu.
Lý do thứ ba, Brexit sẽ cho phép phát triển Liên minh Châu Âu. Các chính phủ sẽ phải thỏa hiệp và hoàn thành việc xây dựng Khu vực đồng euro, cung cấp cho khu vực này các phương tiện để tự vận hành và thiết lập sự kiểm soát của quốc hội đối với các quyết định của khu vực này. Sau Brexit, EU cũng sẽ thoát khỏi sự kìm kẹp của người Anh và khiến việc thay đổi hiệp ước 28 nước về các vấn đề thách thức của thế kỷ 21 như quốc phòng, chính sách ngoại giao, nhập cư, an ninh sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Lý do thứ tư là Brexit sẽ cho phép Bruxelles nhìn nhận lại vấn đề mở rộng Liên minh Châu Âu. Thời kỳ ký kết các hiệp ước tự do mậu dịch với mọi quốc gia và việc mở rộng EU thiếu sự chuẩn bị kỹ càng đã qua.
Và lý do cuối cùng là để các công dân Châu Âu xích lại gần nhau hơn. Trên thực tế, rất nhiều vấn đề của châu Âu khi đưa ra thảo luận đã bị Vương quốc Anh phản đối. Sau Brexit, Châu Âu sẽ tiến xa hơn nữa vì không vấp phải sự phủ quyết đến từ London.
Trong khi đó, theo Bruxelles, Vương quốc Anh cần ở lại EU để đảm bảo sự cân bằng kinh tế cho Khu vực đồng euro và cho cả nước Anh và tránh hiệu ứng domino trưng cầu dân ý sang các nước Châu Âu khác đang mất niềm tin vào EU như Thụy Điển, Đan Mạch, Hungary, Phần Lan và tránh gây ra tâm lý e ngại Châu Âu cho người dân các nước Pháp, Đức, Italy.