Khá lên nhờ trồng cây ăn quả
Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một trong những nơi đi đầu là xã Yang Trung. Tại đây, người dân mạnh dạn đưa nhiều cây trồng mới hiệu quả cao như: na hoàng hậu, xoài, nhãn, gấc, dừa xiêm lùn, bưởi da xanh... vào canh tác. Các loại cây này đã mang lại giá trị kinh tế cao so với cây trồng khác như: mía, đậu các loại, mì, rau màu.
Năm nay, người dân xã Yang Trung phấn khởi bởi na và nhãn được mùa, được giá. Anh Vũ Văn Hương (thôn 9) có 3 ha na hoàng hậu và hơn 1 ha nhãn. Anh cho biết: Phần đất này trước đây được luân phiên trồng mía, mì và đậu các loại nhưng hiệu quả sản xuất không cao do thiếu nước, sâu bệnh gây hại và giá cả bấp bênh. Năm 2016, nhận thấy na hoàng hậu đang được trồng nhiều, cho thu nhập ổn định nên anh đã cải tạo vườn, mua cây giống về trồng. Nhờ được chăm sóc bài bản nên năm thứ 2, vườn na của anh đã cho thu hoạch.
Anh Hương cho biết: “Na hoàng hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít đòi hỏi nước nên phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Quả na hoàng hậu khi chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp 3-5 lần so với na thông thường. Giống na này cho thu hoạch 2 đợt/năm vào tháng 6 và tháng 12, trung bình mỗi đợt cho 5 tấn quả/ha".
|
Vườn na hoàng hậu của gia đình anh Vũ Văn Hương (thôn 9, xã Yang Trung) thu lãi gần 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Sang |
"Vụ này, thương lái đến cắt tại vườn với giá 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 150 triệu đồng. Na hoàng hậu trồng ở đây được thương lái đánh giá ngon không kém loại đang bày bán trên thị trường” - anh Hương phấn khởi cho hay.
Tương tự, vườn cây ăn quả cũng giúp gia đình chị Vũ Thị Thủy (cùng thôn) vươn lên làm giàu. Năm 2015, gia đình chị Thủy phá bỏ vườn mía để chuyển sang trồng hơn 2 ha nhãn giống T2 và T6. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đa canh để tránh rủi ro, chị tiếp tục đầu tư trồng na, ổi, bơ và dừa xiêm lùn trên diện tích gần 2 ha.
“Trung bình 1 ha nhãn cho thu hoạch khoảng 10-15 tấn, với giá bán 27-30 ngàn đồng/kg thì thu được khoảng 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm, gia đình lãi hơn 150 triệu đồng từ việc bán dừa xiêm, na, ổi và bơ”-chị Thủy chia sẻ.
|
Vườn nhãn của gia đình chị Vũ Thị Thủy (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) vụ này cho thu hoạch hơn 28 tấn quả. Ảnh: Nguyễn Quang |
Trong khi đó, với 6 sào nhãn, vụ thu hoạch năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị An (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ) thu gần 10 tấn quả, lãi 200 triệu đồng. Theo bà An, trước đây, các hộ dân trong vùng phụ thuộc chủ yếu vào cây mía, cây mì cho lợi nhuận thấp. Trong một lần đến nhà người thân ở huyện Phú Thiện, thấy giống nhãn Hương Chi trồng rất hiệu quả, bà mua 80 cây giống về trồng thử nghiệm.
"Sau khi trồng thấy hiệu quả, tôi phá bỏ hết mía để chuyển sang trồng nhãn và chanh tứ quý. So với cây mía thì cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình khá giả hơn”-bà An bộc bạch.
Ông Nguyễn Hiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Những năm qua, nhiều nông dân đã chuyển đổi những diện tích cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, tạo động lực để nhiều hộ dân khác quyết tâm chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đầu tư xây dựng thương hiệu
Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích nhãn ở huyện Kông Chro không ngừng được mở rộng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, huyện hướng dẫn người dân đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Kết quả, giống nhãn T6 trồng tại địa phương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Quốc-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: “Năm 2023, huyện hỗ trợ kinh phí giúp người dân đăng ký sản xuất nhãn và bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm tiếp theo sẽ là cây na nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, huyện đầu tư làm đường giao thông ra khu sản xuất để ô tô có thể vận chuyển thuận lợi mỗi khi vào vụ thu hoạch, tránh bị thương lái ép giá”.
Cũng theo ông Quốc, thời gian tới, huyện vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao như: na hoàng hậu, nhãn T6 và bưởi da xanh. Đây là những cây trồng phù hợp trong điều kiện nguồn nước tưới hạn chế. Đến nay, huyện đã phát triển được 121 ha nhãn, 122 ha na hoàng hậu và 24 ha bưởi da xanh.
Nếu huyện Kông Chro có thế mạnh về cây na và nhãn thì Kbang được xem là “thủ phủ” cam, quýt với diện tích gần 100 ha, trong đó, xã Sơn Lang có tới 45 ha. Hầu hết nhà vườn trong xã đều được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Những năm gần đây, cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần thiết thực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện tích cực tuyên truyền và khuyến khích bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý dịch bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học... Đó cũng là mấu chốt để trái cây Kbang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Đồng thời, huyện tăng cường công tác quảng bá thương hiệu cam, quýt Kbang, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận, nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm thương mại để chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Hiệp, những năm qua, huyện Đak Pơ đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung ở các xã: An Thành, Cư An, Tân An, Phú An, Yang Bắc, Ya Hội và thị trấn Đak Pơ. Hàng năm, huyện phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, hình thành các mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tăng cường tập huấn kiến thức, khoa học kỹ thuật về trồng trọt để nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, xây dựng thương hiệu.