Sa Pa (Lào Cai) có tuyết. Tuyết rơi trắng trời chứ không phải chỉ là băng đọng trên lá như mấy năm trước nữa. Đất trời trắng xoá, đẹp lung linh chẳng kém cảnh ở các xứ lạnh.
Ảnh minh họa. |
Tôi chợt nhớ đến những đứa bé đã gặp ở Sa Pa năm nào. Rét căm căm mà chúng không có tất, không có giầy, những đôi chân đỏ, tím tái vì lạnh. Những đôi chân trần ấy giờ làm sao đi được trên tuyết trắng thế kia?
Không chỉ riêng những đứa trẻ mà cả người lớn, cả đất trời nơi đây cũng dường như chưa sẵn sàng để đón tuyết. Những rừng cây chưa kịp rụng lá, nặng trĩu những tuyết. Những vườn rau đang xanh tốt bị tuyết phủ chết cóng, lại một vụ mùa mất trắng. Những đàn trâu run rẩy được lùa đi tránh rét. Và người dân nơi đây vẫn chỉ dựa vào những cái bếp củi, những chậu than để xua đi cái giá lạnh đến buốt da buốt xương này.
Nên cái sự vui sướng của nhiều người khi thấy tuyết rơi có cái gì đó gờn gợn. Ta mặc ấm, mặc đẹp, áo lông, ủng da, mũ len... làm dáng bên những cây phủ tuyết trắng, những hình người tuyết... với ta đó là những giây phút hạnh phúc, những khoảnh khắc đáng nhớ. Nhưng ngay kia thôi, lại có những đứa trẻ, những người dân co ro trong cái giá rét. Rét thường đã đủ khổ lắm rồi, giờ lại thêm cái rét bất thường đến thế.
Tất nhiên đâu phải ta tạo ra tuyết, ra cái rét thế này mà là thiên nhiên. Và ta có làm gì đâu ngoài việc tận hưởng nó, chưa nói đến việc ta kéo nhau lên đây đông như thế này là góp phần vào phát triển du lịch nơi đây... Có rất nhiều lý do để biện hộ cho cái sự sung sướng của ta. Chỉ có điều hãy chịu khó nhìn vào những ngôi nhà trống huếch trống hoác, những người nông dân đang lo đến mất ăn mất ngủ vì đàn gia cầm, gia súc có thể chết vì rét, những đứa trẻ không có tất để đi, rét từ trong ra ngoài vì thiếu ăn thiếu mặc... Bạn sẽ nghĩ gì? Có thấy cái sự sung sướng của mình là ích kỷ không?
Nói thế không có nghĩa là không nên đi. Nhưng trong mỗi chuyến đi của mình, hãy chịu khó mang theo những đôi tất, những cái áo len, áo khoác, một chút gì để chia sẻ, để giúp một vài đứa trẻ nơi đây được ấm lên đôi chút.