Phụ nữ ngày nay có hàng ngàn lý do để ngoại tình. Tuy nhiên, trong thời kỳ phong kiến trọng nam khinh nữ, người đàn ông “năm thế bảy thiếp” là chuyện bình thường, phụ nữ chỉ có một nhiệm vụ là phải giữ gìn trinh tiết, chung thủy cho tới trọn đời, bất kể người đàn ông đối xử với mình ra sao, thậm chí là còn sống hay đã chết.
Trong xã hội ấy, một khi người phụ nữ ngoại tình thì sẽ bị cả thiên hạ lên án, coi đó là một sự dâm loạn vô đạo. Chẳng hạn như Phan Kim Liên hay Phan Xảo Vân trong tiểu thuyết “Thủy Hử” trong mắt người đời đều là loại “dâm phụ”, không đáng giá nửa xu.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng các phụ nữ thời xưa không biết ngoại tình. Bất chấp những định kiến và cấm cản, nhiều phụ nữ thời cổ đại vẫn vượt rào để chạy theo tiếng gọi của tình yêu.
Thậm chí, ngay cả các Hoàng hậu được vốn được coi là bậc mẫu nghi thiên hạ cũng sẵn sàng “cắm sừng” các bậc “cửu ngũ chí tôn” khi xiêu lòng trước người đàn ông khác. Tuy nhiên, lịch sử từ cổ chí kim hiếm có trường hợp nào như Hoàng hậu Phan Nhuận, vợ của vua Văn Đế nhà Bắc Ngụy khi bà hoàng hậu này liên tiếp ngoại tình với hai… thái giám.
Sử sách chép rằng, Phùng Nhuận vốn tên là Diệu Liên là con gái của Phùng Hy, con trai của Phùng Thái hậu, mẹ của Hiếu Văn Đế. Vì thế, xét theo quan hệ, Phùng Nhuận là chị họ của Văn Đế. Tuy vậy, ngay từ nhỏ, Phùng Nhuận đã nổi tiếng xinh đẹp nên rất được Văn Đế sủng ái. Hai người từng có thời hạnh phúc, xoắn xuýt nhau như hình với bóng. Tuy nhiên, không lâu sau, Phùng Nhuận không may bị mắc chứng bệnh kỳ lạ, giống như bệnh vẩy nến, Phùng Thái hậu sợ hoàng đế sẽ bị lây bệnh nên quyết định cho Phùng Nhuận về nhà xuất gia làm ni cô.
Hiếu Văn Đế không muốn xa hoàng hậu chút nào, tuy nhiên không dám cãi lời mẹ là Phùng Thái hậu. Hơn một năm sau, Phùng Thái hậu mắc bệnh qua đời, quyền cai quản triều đình được giao lại cho Văn Đế. Lúc trước, Hiếu Văn Đế vẫn thường xuyên nhớ tới Phùng Nhuận, vì thế, vẫn cho người dò la tin tức về người vợ cũ.
Ảnh minh hoạ. |
Sau đó, Văn Đế nhận được tin báo bệnh vẩy nến của Phùng Nhuận đã được trị khỏi hẳn bèn cử thái giám đến tận nơi đón Phùng Nhuận quay trở lại Lạc Dương. Sau khi trở lại tử cấm thành, Phùng Nhuận và Văn Đế vẫn mặn nồng như xưa. Văn Đế ban đầu phong cho Phùng thị là Tả Chiêu Nghi, sau đó lại một lần nữa Phùng thị lên làm hoàng hậu.
Tuy nhiên, điều Hiếu Văn Đế ngàn lần nằm mơ cũng không nghĩ đến là, người vợ mà mình ngày đêm thương nhớ và tìm mọi cách đưa trở lại ngôi hoàng hậu trong thời gian ở nhà mẹ đẻ chữa bệnh do không chịu nổi cô đơn đã dan díu với một tên người hầu trong nhà.
Sau khi Phùng Nhuận được lập trở lại làm hoàng hậu, Hiếu Văn Đế thường xuyên xuất chinh đánh nhà Tề, thời gian ở trong hoàng cung rất ít. Phùng Hoàng hậu ở lại hoàng cung một mình, không chịu nổi sự lạnh lẽo nên ngựa quen đường cũ, vụng trộm với một hoạn quan tên là Cao Bồ Tát.
Cao Bồ Tát tuy danh nghĩa là hoạn quan trong hoàng cung nhưng thực tế là một giả thái giám. Họ Cao chưa hề “tịnh thân” nhưng vẫn tìm cách len lỏi vào trong hoàng cung làm thái giám. Thêm vào đó, Cao Bồ Tát lại là một kẻ rất khôi ngô tuấn tú, thân hình vạm vỡ, tráng kiện nên càng dễ Phùng Hoàng hậu động lòng. Sử sách chép rằng, trong suốt thời gian Văn Đế bị bệnh phải ở Nhữ Nam điều trị, Phùng thị gần như công khai dâm loạn với Cao Bồ Tát trong chốn hậu cung.
Kết cục bi thảm
Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chuyện ngoại tình giữa Phùng Nhuận và Cao Bồ Tát cuối cùng cũng bị Hiếu Văn Đế phát hiện ra. Người báo tin cho Văn Đế đang mải mê chinh chiến là Bành Thành Công chúa. Bành Thành Công chúa là một mỹ nhân thời bấy giờ nhưng lại trở thành một góa phụ từ khi còn rất trẻ. Em ruột của Phùng Nhuận là Phùng Túc từ lâu đã thèm muốn Bành Thành, song cô công chúa xinh đẹp lại một mực từ chối. Phùng Nhuận ỷ mình là hoàng hậu, định cho em trai sang cưỡng ép, bắt Bành Thành về làm vợ.
Bành Thành Công chúa cũng không phải dạng vừa, lựa chọn hơn chục người hầu tâm phúc rồi chạy ra tiền tuyến gặp Văn Đế để cầu cứu đồng thời tố cáo chuyện dâm loạn giữa Phùng Nhuận và Cao Bồ Tát trong hoàng cung. Phùng Nhuận biết tin Bành Thành Công chúa chạy tới chỗ Văn Đế thì trong lòng vô cùng lo lắng, bèn bàn với mẹ ruột của mình để tìm đối sách cứu vãn tình hình. Mẹ của Phùng thị bèn mời một nữ phù thủy dùng bùa chú để cầu cho Văn Đế mắc bệnh nặng không thể dậy được nữa. Chuyện bùa chú sau đó cũng bị người khác tố cáo với Văn Đế.
Ngay sau khi trở về Lạc Dương, Thạch Bạt Hoằng cho bắt Cao Bồ Tát tới thẩm vấn. Họ Cao không chịu được tra tấn đành phải khai ra toàn bộ chuyện tư tình giữa mình và hoàng hậu. Hiếu Văn Đế nghe xong đau đớn như đứt từng khúc ruột, cộng thêm chinh chiến nhiều ngày mỏi mệt nên lăn ra ốm. Đêm hôm đó, Hiếu Văn Đế lệnh cho bọn Cao Bồ Tát quỳ thành một hàng trước cửa rồi cho gọi Phùng Nhuận tới. Hiếu Văn Đế sai người khám xét người Phùng Nhuận để chứng thực chuyện bùa chú thì phát hiện trên người Phùng Nhuận có một đoản đao. Văn Đế lại phát điên, sai người lôi Phùng Nhuận ra ngoài chém đầu.
Lúc này, Phùng Nhuận khóc lóc xin Văn Đế tha tội chết. Văn Đế mặt ngoài lạnh băng nhưng bên trong run rẩy vì đau khổ. Cuối cùng Văn Đế quyết định không giết Phùng Nhuận, sai người đưa về cung. Sau đó, Văn Đế cho gọi hai thân vương tâm phúc của mình là Bành Thành Vương và Bắc Hải Vương tới nói: “Hoàng hậu thất đức nhưng ta không đủ nhẫn tâm giết cô ta. Ta sợ rằng Phùng Thái hậu mẹ ta ở dưới suối vàng sẽ không vui. Nay vẫn cho Phùng thị ở trong cung, nếu như cô ta có lương tri, cô ta tự biết chọn cái chết”.
Tuy nhiên, trái với suy đoán của Văn Đế, Phùng Nhuận không hề có ý định tìm đến cái chết. Ngược lại, Văn Đế chịu liên tiếp hai ba cú sốc dồn dập khiến cơ thể vốn đã suy nhược vì bệnh tật không trụ thêm được nữa. Không lâu sau, Hiếu Văn Đế qua đời trên đường chinh chiến. Trước khi chết, Văn Đế cho gọi Bành Thành Vương lại và dặn: “Sau khi ta chết, sợ rằng không có ai khống chế được hoàng hậu. Các ngươi hãy dùng di lệnh của ta ban chết cho bà ta. Tuy nhiên, vẫn tổ chức tang lễ như của hoàng hậu, đừng làm bại hoại thanh danh nhà họ Phùng”.
Sau khi Văn Đế qua đời, Bành Thành Vương và một số thân vương khác tuân theo di mệnh, ban thuốc độc cho Phùng Nhuận uống đồng thời vẫn nghe theo lời của Văn Đế, tổ chức tang lễ cho Phùng Nhuận theo nghi thức của một hoàng hậu.
Thực tế thì hoàng đế có tam cung lục viện ba ngàn phi tần, song, hoàng hậu thì lại chỉ có mình hoàng đế. Khi còn xuân sắc, còn được hoàng đế yêu chiều thì không sao, nhưng khi tuổi tác đã cao, Hoàng đế bắt đầu ghẻ lạnh thì hoàng hậu, cũng như bao phụ nữ khác bị đẩy vào cảnh lạnh lẽo, cô đơn trong tử cấm thành mênh mông. Những lúc như vậy, hoàng hậu thường khó tránh chuyện nảy sinh tình cảm với người khác là chuyện không khó lý giải. Tuy nhiên, bị hoàng hậu “cắm sừng” mà lại với thái giám thì cũng thật là một bi kịch của ông hoàng đế nhân từ này.