“Vua” khóa Hà Thành

(Kiến Thức) - Tốt nghiệp trường Đại học Thương mại năm 2004 nhưng anh Nguyễn Lưu Mỹ, ở số 1, ngõ 118 đường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội về nhà làm nghề sửa khóa trước sự khó hiểu của gia đình, bè bạn...

Mặc dù đã tối, nhưng chiếc điện thoại trên bàn của Mỹ vẫn rung liên tục vì khách hàng gọi đến nhờ mở khóa. Anh Mỹ tâm sự: "Mỗi khi có người mất chìa khóa ô tô, xe máy, nhà cửa... đều gọi đến cho mình bất kể ngày, đêm".
Nhớ trên 300 loại rãnh khóa
Lưu Mỹ đến với cái nghề tỉ mẩn này từ hồi mới lên chín, lên mười. Hồi đó anh được cha truyền dạy nghề sửa chữa khóa, với "bí kíp" mà cha truyền lại, anh lóc cóc đạp xe từ phố Huế, đến Trương Định, rồi vòng sang tận Cửa Nam, Cửa Bắc để sửa khóa.
Anh Mỹ bảo: "Trước đây, người dân dùng khóa cơ là chủ yếu nên đồ nghề mang theo cũng rất đơn giản, chỉ cần bỏ vào túi mấy chục phom khóa, vài cái giũa và sợi dây thép bé bằng cái kim và hiện đại hơn là cái vam mở khóa là có thể hành nghề ngon lành. Khi có người làm rơi chìa khóa, mình chỉ cần dùng sợi dây thép nhỏ đưa vào, rồi vặn nhẹ một cái là khóa mở được ngay".
Không ngờ cái nghề tưởng chừng bần cùng mạt hạng đó lại ngấm vào cậu bé Mỹ như duyên nợ. Sau mỗi buổi cắp sách đến trường, người ta thấy cậu bé Mỹ có thân hình nhỏ thó đạp chiếc xe cà tàng lóc cóc đến khắp các đường cùng, ngõ hẻm ở Hà Nội sửa khóa thay cha.
Lâu không có người hỏi chuyện xưa cũ, khi gặp chúng tôi và kể về cơ duyên nghề khóa, bao nhiêu kỷ niệm trong anh Mỹ lại ùa về. Anh Mỹ lôi cái ổ khóa bằng đồng cũ mèm ra rồi dùng sợi dây thép ngoáy tách một cái, ngay lập tức, khóa được mở mà không cần đến chìa. Anh khoe, cái khóa này thuộc dạng cổ, ngày nhỏ mình đã học nghề từ những ổ khóa như thế này. Thời gian mở khóa bằng dây thép ngang bằng với thời gian dùng chìa thật.
Anh Mỹ "phẫu thuật" một chiếc chìa khóa có gắn chip điện tử.
Anh Mỹ "phẫu thuật" một chiếc chìa khóa có gắn chip điện tử. 
Anh Nguyễn Lưu Mỹ chia sẻ: "Bí quyết để trở thành thợ khóa giỏi, không bị khuất phục trước bất kỳ loại khóa nào dù cổ lỗ hay hiện đại là phải cố gắng nhớ được càng nhiều kiểu cấu trúc khóa thì càng tốt. Khi đưa vam mở khóa hoặc sợi dây thép vào lỗ thì ngón tay phải đưa nhẹ nhàng để cảm nhận được rãnh khóa đó như thế nào, đầu dây thép đi đến đâu, rãnh khóa gồ ghề thế nào phải cảm nhận được hết và quan trọng là phải rất chính xác. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào cảm giác của người thợ khóa. Người giỏi là khi đưa dây thép vào trong là biết ngay rãnh khóa thuộc loại nào và công việc còn lại là làm lại một chiếc chìa đúng theo rãnh khóa vừa cảm nhận được".
Theo anh Mỹ thì muốn sửa một loại khóa bất kỳ nào đó trước đây anh phải cưa đôi khóa ra để xem cấu trúc và cơ chế hoạt động bên trong như thế nào sau đó mới có giải pháp phá khóa đơn giản, hiệu quả nhất. Thế nhưng, cái khó của thợ sửa khóa không phải là việc bổ đôi khóa xem trong đó có gì mà ở chỗ phải chạy theo công nghệ ngày càng hiện đại, tinh vi và phải đối mặt với những loại khóa mà trước đó người thợ chưa từng gặp phải. Kinh nghiệm giải quyết chuyện này đó là phải dùng sợi dây thép luồn vào lỗ khóa và tìm ra cấu trúc tương thích với ổ khóa...
Anh Mỹ tiến hành sao chép mã số từ chip điện tử ra máy tính.
Anh Mỹ tiến hành sao chép mã số từ chip điện tử ra máy tính. 
Thợ khóa cũng phải có đức
Dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ nhỏ 118 ở đường Trương Định, anh Mỹ nhanh tay lôi ra một bộ khóa tích hợp 3 công nghệ hiện đại gồm phần cơ, tần sóng và số hóa. Đây là công nghệ hiện đại thường dùng cho ô tô, xe máy cao cấp... Loại khóa này rất khó ở chỗ phải biết được mã số của khóa, phá tần sóng và mở ổ khóa. 
Để phá loại khóa này, anh đã nghĩ ra cách gắn con chip của khóa vào một thiết bị liên kết giống như usb để kết nối với máy tính, sau đó sao chép mã số trong con chip này ra một đĩa CD mới, tiếp theo đó là dùng một con chip "sạch" (chip chưa cài mã số) chính hãng kết nối với máy tính và tiến hành sao chép dữ liệu, mã số ở đĩa CD. Sau khi có được mã số trong con chip mới rồi thì phải kết nối với tần sóng ngắn gắn trong xe để nhập lại mã số chính xác thì mới mở được khóa.
Những công đoạn phức tạp này chỉ cần thực hiện trong vòng vài phút là xong. Nếu người mới vào nghề thì phải mất cả tiếng vì phải mày mò sao chép mã số ra đĩa CD.
Một ổ khóa hiện đại thường tích hợp rất nhiều công nghệ, trong đó tìm mã số trong những chip điện tử là khó nhất.
Một ổ khóa hiện đại thường tích hợp rất nhiều công nghệ, trong đó tìm mã số trong những chip điện tử là khó nhất. 
Đã mấy đời làm nghề sửa khóa, nhưng gia đình anh Mỹ truyền dạy những "bí kíp" cốt tử này cho rất ít người. Theo anh Mỹ thì không thể truyền dạy nghề cho những người tham lam, bởi họ có thể lợi dụng nghề để đi trộm cắp, gây họa cho xã hội. Một thợ khóa lành nghề thì chỉ cần chưa đầy 3 giây đã có thể mở khóa, đột nhập vào nhà người khác và thoát khỏi ngôi nhà đó trong khi vẫn cửa đóng then cài.
Để đề phòng kẻ xấu lợi dụng trộm đồ, khi đến sửa mình phải yêu cầu khách hàng xuất trình đăng ký xe, số khung, số máy, chứng minh nhân dân... sau đó mới tiến hành mở khóa. Nếu những "bí kíp" phá khóa rơi vào tay người xấu thì hậu quả không thể lường trước. "Trước đây mình đã bị công an "hỏi thăm" xem là có liên quan đến vụ đột nhập nhà người khác trong một vụ trộm nào đó ở Hà Nội hay không. Mặc dù mình chẳng liên quan gì cả nhưng đó lại là kinh nghiệm giúp mình cẩn thận hơn mỗi khi nhận mở khóa cho khách hàng hoặc nhận dạy nghề cho thợ sửa khóa", anh Mỹ cho biết.
"Hiện gia đình mình đã mở xưởng sản xuất phôi khóa cung cấp cho toàn bộ địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, mình vẫn chưa thể mở rộng quy mô vì không tìm được người có tố chất tốt để đào tạo sâu nghề khóa".
Anh Nguyễn Lưu Mỹ 

Thợ máy “chế” xe cứu hỏa từ… Vespa

Chiếc xe Vespa gắn máy bơm nước trở thành xe cứu hỏa lưu động. Xe phát huy hiệu quả tốt nhờ tính nhanh gọn, kịp thời len lỏi vào khu dân cư, dập tắt những đám cháy mới phát sinh.

Anh Nguyễn Cao Thượng (46 tuổi), quê ở Mỹ Phước, huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang về Kiên Giang lập nghiệp năm 1999 với nghề sửa máy Vanguard. Hơn 20 năm trong nghề cùng với niềm đam mê chiếc xe Vespa, anh đã bỏ ra nửa năm mày mò, gắn máy bơm nước và lồng tự chế vào chiếc Vespa, tạo thành xe cứu hỏa lưu động.

 
v
Xe cứu hỏa tự chế và ảnh chụp hoạt động của xe.

Xe phát huy hiệu quả trong những trường hợp cháy trong ngõ ngách nhỏ hẹp, xe cứu hỏa chuyên dụng không thể vào được. Sau khi hoàn thành sản phẩm vào năm 2010 cho đến nay, anh Thượng đã dùng xe dập tắt được 5 đám cháy, nhận nhiều giấy khen của địa phương trong công tác PCCC.

Tiếp đó, anh Cao Thượng bắt tay vào sáng tạo những sản phẩm cơ giới hóa hỗ trợ bà con nông dân. Suốt một năm ròng, anh Cao Thượng mày mò lắp ráp và cho ra đời chiếc xe đa năng với công dụng xịt thuốc trừ sâu và sạ lúa. Chiếc xe phun thuốc trừ sâu đa năng tự chế đã giúp bà con nông dân đỡ phải vất vả cầm bình phun thuốc thủ công trên cánh đồng, không còn nỗi lo ngộ độc thuốc trừ sâu. Giá thành lắp ráp sản phẩm chỉ từ 15 - 40 triệu đồng, phù hợp với túi tiền của bà con nông dân.

v
Anh Nguyễn Cao Thượng trên xe phun thuốc trừ sâu đa năng tự chế

Xe vừa hoàn thành, anh Nguyễn Cao Thượng liền được mời đến tham gia triển lãm tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam 2012 tại TP. Rạch Giá, Kiên Giang. Sản phẩm nhận được giải Nhì trong Hội thi đạt giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kiên Giang lần III, năm 2010-2011.

Tiếng lành đồn nhanh, ban tổ chức Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Angro Việt 2012 (tổ chức tại nhà thi đấu Thể thao Phú Thọ, quận 11, TP.HCM từ 9-14/11) đã mời anh Thượng đem 2 sản phẩm tự chế đến hội chợ giới thiệu rộng rãi.

Dân Hà thành mê đạp ’xế độp’

"Xế độp" là tên gọi vui mà dân chơi xe đạp dùng để “làm sang” cho chiếc xe của mình. Môn thể thao này đang thu hút một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội, dù rằng họ có ôtô, xe máy xịn.

Như một thói quen, vào mỗi buổi sáng chị Minh Yến (35 tuổi, nhân viên BIDV) lại bắt đầu những vòng quay quen thuộc. Chị thường đạp xe tối thiểu 30 km, khi thì vòng quanh Hồ Tây, khi thì chạy ra đại lộ Thăng Long, có đôi lúc đạp sang Vincom Long Biên. Đến tối chị cùng các thành viên trong gia đình đạp xe hóng mát. Ngay cả khi đi công tác Đà Nẵng, chị cũng không quên mang xe theo, rồi cùng những "xế độp" ở đó làm chuyến đi lên Bàn Nà.

Ở Hà Nội có câu lạc bộ Group Tour de Fun (TDFun) để tập hợp người đam mê đạp xe như chị Yến. Thành viên đủ mọi lứa tuổi, song chủ yếu là người đang đi làm và trên 30 tuổi. Có ba cung đường với ba cấp độ cho người chơi luyện tập, đó là 20-40 km, 50-60 km và 80-90 km. Cuối tuần khi thu xếp được thời gian, các dân chơi lại cùng thử sức với những chuyến đi xa, thả mình vào thiên nhiên.

Đọc nhiều nhất

Tin mới