Vua chúa Việt cứu hộ tàu thuyền trên biển Đông thế nào?
(Kiến Thức) - Bên cạnh hoạt động khẳng định chủ quyền, khai thác, quản lý vùng biển và hải đảo trên biển Đông, các triều đại phong kiến Việt Nam còn thực hiện hoạt động nhân đạo.
Lê Thái Dũng
Biển Đônghàng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn, chưa kể các hiểm họa khác luôn rình rập người đi biển, đặc biệt tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa kia được coi như một bãi đá kéo dài, là nơi mà tàu thuyền qua lại rất sợ hãi bởi những dải đá ngầm có thể đe dọa đến sự an nguy của con thuyền và những đoàn người đi trên đó.
Thuyền bè của người Trung Quốc khi qua biển Đông, đã đúc kết câu cách ngôn hàng hải như sau:
Thượng phạ Thất Châu
Hạ phạ Côn Lôn
Châm mê đà nhất
Nhân thuyền mạc tồn.
Nghĩa là:
Trên thì sợ vũng Thất Châu,
Xuống đàng dưới nữa lại sầu Côn Lôn.
La bàn kim lạc lối mòn,
Thuyền chìm, người mất, có còn gì đâu?
Thất Châu là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi được coi là có 7 hòn đảo chính nên gọi là Thất Châu, còn Côn Lôn tức vùng biển từ Trường Sa kéo dài đến quần đảo Côn Sơn, xưa được gọi là Côn Lôn dương.
Người phương Tây cũng có nhiều ghi chép về điều này, như trong “Nhật ký chuyến đi quần đảo Paracels” của các giáo sĩ Thiên chúa trên tàu L’Amphitrite đã thuật lại sự kinh hoàng của mình khi đi qua quần đảo Hoàng Sa vào năm 1701 như sau: “Paracels là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó, nó nằm trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu L’Amphitrite trong chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm ở đó…. Có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ…. Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tý nguồn dự trữ nào thì hầu như cũng như nhau mà thôi!”.
Một người phương Tây khác tên là M.A.Dubois de Jancigny trong cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xây Lan” ấn hành năm 1850, có viết: “Quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng) là một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát, rất đáng sợ cho các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người Cochinchina chiếm hữu”…
Trên đây là một số ghi chép của người nước ngoài về sự nguy hiểm khi thực hiện các chuyến hải trình trên biển Đông, đặc biệt là nỗi e sợ những bãi đá ngầm thuộc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng những trở ngại khó khăn này đã bị người Việt khuất phục và xác lập chủ quyền lâu đời tại vùng biển đảo đó; hơn nữa đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn, các triều đại phong kiến Việt Nam còn tổ chức cứu hộ, giúp đỡ họ.
Tranh vẽ thuyền của vương quốc Ryukyu. Nguồn: http://www.japanfocus.org.
Chính sử có ghi chép về một số trường hợp vào thời Hậu Lê, triều đình giúp đỡ tàu thuyền của người Trung Quốc bị trôi dạt trên biển, cung cấp thực phẩm, nước uống và đưa họ về nước. Một chuyện khá thú vị, tuy sử sách nước ta không ghi chép nhưng trong thư tịch cổ của Nhật Bản là bộ thông sử Reikidai hoan của vương quốc Ryukyu (phiên âm là Lưu Cầu), nay là tỉnh Okinawa có ghi lại sự kiện diễn ra vào tháng 10 năm Chính Đức thứ 4, tức tháng 11 năm 1509. Vua Trung Sơn của vương quốc Ryukyu cử một đoàn sứ giả đông tới 130 người dùng thuyền mang thư và nhiều lễ vật sang nước ta tạ ơn vua Lê đã từng “cứu vớt thuyền bị nạn” của Ryukyu và tạo điều kiện thuận lợi cho thủy thủ đoàn về nước.
Có một sự kiện xảy ra dưới triều Tây Sơn không thể không nhắc đến, đó là vào tháng 4 năm Quý Sửu (1793) đoàn sứ giả nước Hồng Mao Anh Cát Lợi (tức nước Anh) trên đường tới Trung Quốc, khi đi qua biển Đông thì gặp bão, phải ghé thuyền vào cửa biển Đà Nẵng để tìm nước ngọt, mua lương thực, thực phẩm và sửa chữa thuyền.
Vua Cảnh Thịnh nghe tin bèn gửi hai tờ chiếu dụ để an ủi, bày tỏ sự cảm thông cảnh ngộ của những người gặp nạn, thông báo cho họ biết đã ra lệnh cho quần thần cấp lương thực, gạo muối, lại còn gửi quà tặng cho người đứng đầu triều đình Anh Cát Lợi “để tỏ lòng quý mến, thông cảm với khách đường xa”. Đặc biệt hơn, vua Cảnh Thịnh cũng tận dụng cơ hội tuyên bố cho những vị khách đến từ phương Tây xa xôi biết về chủ quyền rộng lớn của nước Việt trên biển Đông, tờ chiếu có đoạn: “Vả lại, bản triều bao trùm cả Nam Hải. Phàm tàu viễn dương các nước muốn đến náu nơi chợ búa vùng này để buôn bán, hoặc vì sóng to mà trôi dạt tới đây, mong được yên ổn, no đủ, trẫm đều lấy lòng nhân mà đối xử, cùng sinh cùng nuôi, con người trong bốn bể như anh em một nhà”.
Thuyền tuần tiễu trên biển của thủy quân nhà Nguyễn. Nguồn: www.vietthuc.org.
Đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn, nhà vua đã ra lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ họ. Vào tháng 6 năm Canh Dần (1830), quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng tâu rằng có một thuyền của Pháp bị nạn ở Hoàng Sa, một số thủy thủ dùng bè bơi vào bờ xin cứu giúp. Biết tin, vua Minh Mạng điều động thuyền tuần tiễu mang nước ngọt, lương thực ra biển tìm kiếm những người còn lại và đưa họ vào đất liền.
Theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Bính Thân (1836) vua Minh Mạng còn ra lệnh cứu giúp một thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi (tức nước Anh) gặp bão tại Hoàng Sa, sách chép rằng: “Thuyền buôn nước Anh Cát Lợi gặp gió bão ở vùng đảo Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định. Trên thuyền có khoảng hơn 90 người. Nhà vua sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn. Tất cả số người đó cúi đầu lạy tạ ân, biểu lộ nhiều lời nói và cử chỉ rất cảm kích. Quan tỉnh tâu trình việc đó về triều. Nhà vua nói rằng: “Người Tây Dương vốn có tính cứng đầu, kiêu ngạo. Phải chăng bây giờ họ vừa được mong ơn cứu tuất của ta, cho nên đã hóa được cái tục xấu đó của họ chăng?”. Sau đó vua hạ lệnh cho họ về nước”.
Trên đây chỉ là một vài sự kiện tiêu biểu, nhưng qua đó đã cho thấy từ xa xưa người Việt đã làm chủ trên biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của nước ta, và các triều đại phong kiến luôn quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát, bảo vệ và thực thi các quyền của mình ở những hải đảo đó nói riêng và biển Đông nói chung, mặt khác còn thể hiện tính nhân đạo sâu sắc. Nó là minh chứng hùng hồn, là dữ kiện lịch sử, pháp lý hợp pháp, có sức mạnh to lớn phủ nhận những yêu sách, những hành động sai trái trong mưu đồ xâm chiếm biển Đông, chiếm đoạt các hải đảo của Việt Nam trên vùng biển đó.
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ làm chủ biên.
Nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam qua các thời đại, với bản chất cần cù nhẫn nại, ý chí quật cường và trên tinh thần tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan khác, đã để lại những dấu ấn, nói chính xác hơn là đã để lại những chứng tích của mình trên Biển Đông, trong lịch sử xác lập và thực thi các quyền và lợi ích chính đáng của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, với các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Nhà Thanh chưa hề có khái niệm về chủ quyền Biển Đông
- "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" là tấm bản đồ do Sái Thượng Chất chủ biện đài Thiên văn Xà Sơn thực hiện, được tổng hợp từ kết quả điều tra, đo vẽ, bổ sung liên tục trong vòng hai thế kỷ, kể từ đời vua Khang Hy đến đời vua Quang Tự được đích thân các Hoàng đế Trung Hoa chỉ đạo.
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ.
Những người lập bản đồ rất cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu
Cụ thể, vào năm Khang Hy thứ 47 (1708) vua Khang Hy tuyển chọn các giáo sĩ phương Tây như Bạch Tấn, Lôi Hiếu, Tư Đỗ Đức Mỹ ban đầu với mục đích chế tác Vạn Lý thành đồ. Năm 1711, vua sai các giáo sĩ đi tới 13 tỉnh để đo đạc đất đai, tạo bản đồ "Mạch đại Thành Thang chuộng hiền"... Trải qua một năm, (vua) bốn lần đọc duyệt, quy mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau hai năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm" (Trích lời giới thiệu bản đồ của Sái Thượng Chất).
Từ đấy, trong gần 200 năm, các giáo sĩ phương Tây, các nhân sĩ Trung Hoa tiếp tục sưu tập, khảo cứu, gia cố, bồi tập thêm. "Duy về cương vực của các thôn ấp quận huyện ở các tỉnh có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang, làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn lên, để khi nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay..." (Trích lời giới thiệu bản đồ). Cho đến năm 1904 mới hoàn thành trọn vẹn tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ". Điều ấy cho thấy sự cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu của những người lập bản đồ.
Tấm bản đồ này theo phương pháp đo đạc của các nước phương Tây, có lưới tọa độ địa lý (Kinh độ, vĩ độ), có tỷ lệ xích chặt chẽ, thống nhất trên toàn bộ bản đồ. Đặc biệt, do bản đồ quy thành hình chữ nhật (115 x 140cm) như chúng ta đã biết, trong lúc đó thì ranh giới lãnh thổ (hay nói cách khác là địa giới hành chánh) lại có chỗ lồi ra, lõm vào, nếu vẽ liền mảnh với bản đồ thì sẽ mở rộng kích thước ra rất lớn, không hợp lý.
Các nhà chế tạo bản đồ thời ấy đã khắc phục sự lồi lõm đó bằng cách cắt những phần nhô ra ngoài khung bản đồ vẽ riêng ra thành những khung bản đồ phụ và đặt vào bên trong bản đồ. Nhìn toàn bộ bản đồ, chúng ta thấy có hai vùng như thế. Đó là vùng Mãn Châu ở phía Đông Bắc. Vùng này ở trong bản đồ được ghi là He Long Kiang (tức Hắc Long Giang) và được vẽ vào góc dưới bên phải. Bản đồ phụ này vẽ đến phần phía Bắc của bán đảo Triều Tiên. Vùng thứ hai nhô ra ngoài bản đồ và được vẽ trong khung riêng là vùng Tân Cương (trong bản đồ ghi địa danh là Sin Kiang) và được đặt ở góc trên bên trái. Lúc này, vùng đất Tây Tạng chưa thuộc về Trung Quốc, nên phần đất Tân Cương nhô dài ra.
TS Mai Hồng (thứ 3 từ trái sang) trong một buổi tọa đàm về tấm bản đồ quý giá mà ông vừa hiến tặng (tác giả bài viết ngồi ngoài cùng bên phải).
Nhà Thanh chưa hề có khái niệm gì về chủ quyền vùng Biển Đông
Tuy nhiên, ở trên phần biển Đông không hề thể hiện một "đường lưỡi bò" hay một đường gì tương tự để ghi nhận chủ quyền của nhà Thanh. Điều đó chứng tỏ rằng, trong suốt quá trình 200 năm điều tra nghiên cứu để lập bản đồ này, các Hoàng đế cũng như các quan lại nhà Thanh không hề có khái niệm gì về vùng biển phía Nam đảo Hải Nam, tức biển Đông của chúng ta.
Về kỹ thuật, bản đồ này ứng dụng kỹ thuật Trắc địa Bản đồ phương Tây với hệ thống kinh độ vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như các bản đồ ngày nay.
Về nội dung, đây là bản đồ hành chính vẽ đến từng tỉnh (trực tỉnh) trên toàn quốc (toàn đồ), vì vậy nó mang tính chính thống. Những phần lãnh thổ nhô ra ngoài giới hạn khung bản đồ đều được vẽ thành bản đồ phụ. Nếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta nằm trong cương vực lãnh thổ Trung Quốc thì các nhà lập bản đồ đã phải vẽ thêm một bản đồ phụ (như đã làm với vùng Tân Cương và Mãn Châu). Tuy nhiên, ta không hề thấy phần vẽ thêm đó.
Mặt khác, trong bản đồ bán cầu (vẽ một nửa quả đất đặt góc trái phía dưới) toàn bộ phần Biển Đông và Đông Nam Á nằm hoàn toàn trong đó, nhưng cũng không có một chỉ dẫn hay thậm chí một ký hiệu nào để chứng tỏ rằng vùng biển đảo này thuộc quyền quản lý của nhà Thanh. Điều đó chứng tỏ rằng, nhà Thanh chưa hề có khái niệm gì về chủ quyền vùng Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là giá trị đặc biệt quan trọng của tấm bản đồ này, mà các nhà nghiên cứu, các nhà làm công tác ngoại giao cần chú ý.
Kinh Dịch không chỉ là một cuốn sách bói toán đơn thuần, mà là một hệ thống triết học sâu sắc phản ánh sự biến đổi và mối quan hệ giữa con người, vũ trụ và thiên nhiên.
Theo tử vi 12 cung hoàng đạo 23/1/2025, Song Tử áp lực tài chính cao, nên tiết kiệm, Cự Giải đào hoa xấu, đừng vội vàng chọn bừa, Sư Tử công việc thuận lợi, trôi chảy.
Là một trong những phát minh quan trọng nhất lịch sử nhân loại, thuốc súng của Trung Hoa cổ không chỉ thay đổi cách thức chiến tranh mà còn tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khác trong xã hội.
Xem tử vi hàng ngày, tử vi 12 con giáp hôm nay cho thấy vận thế của người tuổi Sửu tin lời tiểu nhân nên tình yêu có thể bị "rạn nứt". Trong khi đó, tuổi Hợi hạnh phúc viên mãn.
Đền Parthenon không chỉ là kiệt tác kiến trúc vượt thời gian mà còn là minh chứng sống động cho tài năng, sự sáng tạo và văn hóa rực rỡ của người Hy Lạp cổ đại.
Vào năm 1956, thế giới từng suýt xảy ra chiến tranh hạt nhân. Khi ấy, Ai Cập đe dọa quốc hữu hóa kênh đào Suez. Điều này gây ra cuộc khủng hoảng căng thẳng giữa các nước liên quan.
Sang năm Ất Tỵ 2024, 4 con giáp sau đây hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận những vận may tốt đẹp đang đến và tận hưởng từng khoảnh khắc của tài lộc, thịnh vượng.
Trong thời gian qua, các chuyên gia đã phát hiện những dấu chân được cho là của quỷ dữ ở một số nước trên thế giới. Đến nay, bí ẩn về những dấu vết này vẫn là chủ đề gây tranh luận.
Trong những ngày lễ tết quan trọng như: Cúng ông Công, ông Táo, Tết Nguyên Đán..., gia chủ cần lưu ý những điểm sau khi dâng hương lên bàn thờ, tránh phạm điều đại kỵ.