Liên quan đến thông tin về việc Công ty Javis Co., Ltd (Osaka, Nhật Bản) có lô hàng khoảng 18.000 chai tương ớt bị dừng lưu thông do ghi nhãn phụ không đầy đủ, ngày 6/4, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã thông tin về vụ việc trên.
Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan khẳng định, tất cả các sản phẩm của Masan sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.
Đáng chú ý, theo Masan, đơn vị này chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.
Masan cho biết , sự việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co., Ltd. (đại diện pháp lý: Yasuhiro Naka, địa chỉ: Osaka City Nishi Ward Sale Bori 2-chome 4-19), là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng (18.168 chai) tương ớt Chin-Su cho 3 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10-6-2019, 17-6-2019, 6-7-2019 và bán toàn bộ cho Công ty ISC Industrial Co., Ltd. (địa chỉ: Kobe City Tarumi-ku Shimobata-cho Character God Nowaki 429).
Tương ớt Chinsu. |
“Theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Thông tin từ cổng này cũng cho biết, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg. Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt Chin-Su này là từ 0,41-0,45g/kg là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản”, đại diện Masan thông tin.
Masan cho biết, tại Việt Nam phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
Từ đó, Masan khẳng định, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd.
“Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, Masan phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Masan lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với Masan để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra”, đại diện Masan cho biết.
Thông tin thêm về lô hàng bị cơ quan chức năng Nhật Bản thu hồi, Masan cho biết chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng do không có mẫu sản phẩm nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.
Nói cách khác, Công ty Javis Co., Ltd. đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa của Masan hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc và do lỗi ghi nhãn phụ không đầy đủ.
Từ đó, Masan đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ thông tin khách quan, chính xác và toàn diện đến người tiêu dùng. Masan cũng sẽ có văn bản báo cáo đến các cơ quan quản lý nhà nước về sự việc và tiến trình giải quyết để có sự hỗ trợ kịp thời.
Masan Consumer (“MSC”) là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, hiện đang sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống, bao gồm các mặt hàng gia vị (nước mắm, nước tương, tương ớt), hàng thực phẩm tiện lợi (mì ăn liền, bữa ăn sáng tiện lợi), và các sản phẩm đồ uống (cà phê hòa tan, ngũ cốc hòa tan, nước khoáng và nước tăng lực).
Masan bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2000 và từ đó đã phát triển thành công danh mục sản phẩm và hệ thống phân phối để thiết lập vị thế hàng đầu của mình trên thị trường hàng thực phẩm và đồ uống có thương hiệu ở Việt Nam.
Masan Consumer đã tạo nên các thương hiệu được yêu thích và tin dùng hàng đầu như Chin-Su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Vinacafé, Wake-Up Saigon, Wake-Up 247, Vĩnh Hảo thông qua chiến lược đặt người tiêu dùng Việt lên hàng đầu.