Sau loạt bài điều tra trên báo chí về China Policy Limited (gọi tắt CPL), một công ty được lập ra tại “thiên đường thuế” BVI nổi tiếng nhất thế giới, đã có thể thấy được dấu hiệu chuyển “lậu” hàng chục triệu USD để đầu tư “chui” vào Việt Nam.
Sau gần 12 năm “hô mưa, gọi gió”, CPL ngày càng lộng hành, trịch thượng, yêu cầu cả Chính phủ chỉ đạo tỉnh Long An phải cho dừng ngay dự án…Đối tác ngoại xem thường, bỡn cợt với pháp luật Việt Nam nhưng không bị xử lý; trong khi chủ đầu tư nội đổ hơn 1.000 tỷ đồng vào Dự án cùng biết bao công sức, trí tuệ và tâm huyết, thì bị vu cáo, áp chế, dồn vào đường cùng…
Phối cảnh Dự án |
"Mẹ - Con" đều sinh ra ở “thiên đường thuế” (!)
Đó là khẳng định của Bộ Công an tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 do Cục An ninh Chính trị nội bộ ban hành ngày 7/11/2018. Theo đó, CPL được Công ty mẹ Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s) lập ra tại British Virgin Islands (gọi tắt BVI) thuộc Vương quốc Anh, là “thiên đường thuế” số một thế giới.
Quần đảo nhỏ bé này càng nổi tiếng hơn sau vụ rò rỉ tài liệu “Hồ sơ Panama”, đã hé lộ hàng vạn công ty “vỏ bọc” được thành lập tại đây với văn phòng chỉ là “chiếc hòm thư”, nhằm mục đích trốn thuế.
Chính Giám đốc Công ty Chuang’s là ông Chan Chun Man cũng thừa nhận CPL được lập ra tại “thiên đường thuế” BVI. Bản thân Công ty Chuang’s cũng đăng ký thành lập tại “thiên đường thuế” Bermuda.
Lúc mới ra đời, CPL đăng ký địa chỉ “PO Box 71 Craigmuir Chambers, Road Town, Tortola, BVI”; lấy trụ sở của của công ty mẹ (số 25/F Alexandra House, 18 Chater Road, Central, Hongkong) làm văn phòng liên lạc và giao dịch.
Gần đây, CPL đã đổi địa chỉ mới là “Vistra Corporate Services Centre, Wickhams Cay II, Road Town, Tortola, VG1110, BVI”. Việc thay đổi địa chỉ ở “thiên đường thuế” của CPL nhằm mục đích gì thì không ai biết.
Trong văn bản đề ngày 9/10/2018 gửi các cơ quan chức năng Việt Nam, Giám đốc Chan Chun Man xác định CPL vẫn còn ở “thiên đường thuế” BVI nhưng điện thoại liên lạc số (852) 2522 20… lại ở Hongkong (!). Đây cũng là số điện thoại liên lạc của Công ty Chuang’s.
Tại sao Công ty Chuang’s phải lập CPL ở tận vùng biển Caribe xa xôi nhưng mọi liên lạc, giao dịch vẫn diễn ra ở Hongkong? Văn bản 1606/ANCTNB-P4 của Bộ Công an đã vén lên phần nào bức màn bí mật của hai “Mẹ - Con”: Chuang’s và CPL.
Văn bản này xác định rõ: Các công ty đăng ký giao dịch tại BVI và Bermuda nhằm phục vụ cho “những mục đích đặc biệt” (Special Purpose Vehicle - SPV). Các SPV được sử dụng vào các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư tại nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn (không có trách nhiệm về pháp lý và tài chính).
Do đó, các doanh nghiệp khi sử dụng SPV để tiến hành ký kết hợp đồng thương mại, đầu tư sẽ không nhất thiết phải gánh chịu trách nhiệm về pháp lý và tài chính.
Còn theo nhiều chuyên gia, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thể phải chịu thiệt hại hàng chục đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm do các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng vào “thiên đường thuế” để trốn thuế.
Nhằm kiếm lợi cao nhất, nhiều công ty tìm mọi cách để đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu”, vi phạm pháp luật nước sở tại…
CPL hô biến Dự án thành “Saigon Beverly Hills” để lừa gạt cổ đông ở Hongkong. |
12 năm “hô phong, hoán vũ”
Vì “không nhất thiết phải gánh chịu trách nhiệm về pháp lý và tài chính” theo kiểu làm ăn của các doanh nghiệp đến“thiên đường thuế” nên từ khi có mặt ở Việt Nam năm 2007 đến nay đã gần 12 năm, CPL liên tục có những hành vi lộ rõ dấu hiệu về sự xem thường, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Khi CPL đặt bút kí kết “Thỏa thuận khung” ngày 01/6/2007, cùng hợp tác để thực hiện Dự án Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa (giai đoạn I) với chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) thì Luật Đầu tư năm 2005 của Việt Nam đang có hiệu lực thi hành.
Căn cứ Điều 46 của Luật Đầu tư năm 2005, CPL phải tiến hành lập các thủ tục đăng ký đầu tư dựán tại cơ quan nhà nước quản lí đầu tư cấp tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đây là quy định bắt buộc nhưng CPL không làm, là vi phạm nghiêm trọng Luật Đầu tư.
Liên quan đến số tiền 15,6 triệu USD đầu tư vào Dự án (trong đó, có 13 triệu USD chuyển cho Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An để làm kinh phí bồi thường cho các hộ dân có nhà đất), hai Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, TP Hồ Chí Minh) đã chỉ rõ nhiều vi phạm nghiêm trọng.
CPL chuyển ngoại tệ vào Việt Nam khi chưa được cấp phép đầu tư cũng như chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam là trái với quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại.
Việc chuyển tiền còn vi phạm nghiêm trọng Thông tư 03/2004/TT-NHNN ngày 25/5/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thông tư này, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải mở tài khoản “góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam” tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Mọi hoạt động liên quan đến thu chi đều phải qua tài khoản này.
Thêm một vấn đề “nóng” liên quan đến nguồn gốc của số ngoại tệ này, chưa có các cơ quan chức năng nào của Việt Nam tiến hành xác minh, làm rõ, kết luận đây là “tiền sạch” hợp pháp hay “tiền đen” bất hợp pháp, đưa vào Việt Nam với mục đích “rửa tiền”?
Có thể CPL đưa ra lý do, lúc đầu khi mới đến Việt Nam chưa nghiên cứu và chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật nước sở tại.Tuy nhiên, suốt gần 12 năm có mặt ở Việt Nam, CPL thông qua nhiều luật sư Việt Nam hỗ trợ pháp lý cho CPL chắc chắn đã hiểu rõ pháp luật Việt Nam, nhất là về đầu tư, tiền tệ…
Nếu là doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật của nước sở tại, thì CPL đã tiến hành đầy đủ thủ tục pháp lý để được cơ quan có thẩm quyền công nhận là nhà đầu tư Dự án theo đúng các quy định của Luật Đầu tư Việt Nam.
Nhưng CPL không làm, kéo dài hơn một thập kỷ, vẫn muốn đầu tư “chui”. Điều này đã được Bộ Công an khẳng định tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 07/11/2018:“Đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.
Bất chấp pháp luật Việt Nam, CPL cũng không sợ pháp luật Hongkong khi trắng trợn lừa gạt các cổ đông. Chưa tới 3 tuần sau khi ký “Thỏa thuận khung” với Hồng Phát, Dự án lúc này còn trong trứng nước, chưa được tỉnh Long An chứng nhận đầu tư, nhưng CPL và công ty mẹ Chuang’s đã đưa Dự án lên sàn chứng khoán Hongkong, ngang nhiên đổi tên thành “Saigon Beverly Hills” vô cùng hoành tráng.
Việc CPL gán ghép địa danh Sài Gòn, “nổ” thêm Beverly Hills (thành phố xa hoa nổi tiếng nước Mỹ với những khu nhà sang trọng bậc nhất dành cho các minh tinh, tài phiệt…) nhằm lừa bịp các cổ đông rằng CPL đang sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam lên đến hàng trăm triệu USD.
Chiêu “đánh lận con đen” của hai “mẹ - con” làm cho cổ phiếu lập tức tăng giá, giúp CPL thu lợi đến 80 triệu USD. Phủ nhận việc thu lợi nhưng CPL không thể che giấu trò ma mãnh, gian dối của mình vì không hề có Dự án “Saigon Beverly Hills”!
Quá trình triển khai, Dự án có nhiều phát sinh, xuất phát từ chính sách về đất đai được điều chỉnh nhằm có lợi cho người dân bị thu hồi đất, dẫn đến chi phí đền bù giải toả, tái định cư, nộp tiền sử dụng đất…tăng cao so với dự kiến.
Trong đó, chỉ riêng tiền sử dụng đất, chủ đầu tư phải đóng thêm khoảng 465 tỷ đồng. Thế nhưng CPL khước từ ngồi lại với Hồng Phát để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ, dẫn đến bất đồng sâu sắc.
Công ty Hồng Phát đã và đang bỏ ra biết bao công sức, tiền của và tâm huyết vào Dự án |
Nhận thấy sự bất thường của CPL, Hồng Phát tìm hiểu thì giật mình khi biết được lai lịch của đối tác. Chủ đầu tư dự án lên tiếng: Sinh ra từ “thiên đường thuế”, CPL có dấu hiệu đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu” không đúng với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Chưa hết, CPL đã trục lợi lớn từ dự án bằng hành vi gian dối; trong khi nhiều vấn đề phát sinh thì không có thiện chí cùng Hồng Phát giải quyết, bỏ rơi chủ đầu tư lúc khó khăn…
“Với một đối tác như thế, Hồng Phát không thể tiếp tục hợp tác. Bằng thiện chí, chúng tôi muốn giải quyết vụ việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hai bên cùng có lợi nhưng CPL lại khước từ, đâm đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD”, chủ đầu tư nhớ lại.
Bà Trần Thị Việt thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát, phản ứng: “CPL đã vu cáo, xúc phạm nghiêm trọng đến Công ty Hồng Phát cũng như cá nhân tôi. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và khẳng định Hồng Phát sử dụng tiền của CPL để đầu tư vào dự án, không hề chiếm đoạt. Ngày 01/4/2010 Cơ quan điều tra có văn bản 148/C16-P4, kết luận “tranh chấp giữa Hồng Phát và CPL là tranh chấp kinh tế dân sự”.
Mưu đồ vô cùng thâm hiểm của CPL, muốn đẩy chủ đầu tư vào cảnh tù tội để độc chiếm dự án đã bị vạch trần…”.
Như vậy CPL là ai thì đã rõ; việc CPL trịch thượng, “đe” địa phương, “dọa” trung ương như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc.