Tại kỳ hợp thứ 44, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng và một số cá nhân liên quan đến vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn bị kỷ luật do chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo. Ảnh: Báo Xây dựng |
Cụ thể, tại kỳ họp 43, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng đã vi phạm Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ án cán bộ, thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc năm 2019 đến nay vẫn chưa kết thúc, tòa án chưa có bản án kết tội các bị cáo. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xác minh làm rõ các sai phạm của tổ chức, cá nhân trong vụ việc này.
Trên cơ sở đó, đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật các cán bộ có sai phạm. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ bị cảnh cáo.
Luật sư Cường cho rằng, thông thường với những vụ án hình sự mà bị can, bị cáo là đảng viên, nếu Uỷ ban kiểm tra Đảng không tiến hành kiểm tra, xem xét đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án thì phải chờ đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Khi đó, bị cáo là đảng viên sẽ bị thi hành kỷ luật đảng.
Tuy nhiên, với những vụ án mà Uỷ ban kiểm tra vào cuộc xác minh làm rõ sai phạm của đảng viên song song với hoạt động điều tra tội phạm của cơ quan điều tra và có căn cứ cho thấy các bị cáo và những người có liên quan có hành vi vi phạm về kỷ luật đảng, có thể xem xét xử lý kỷ luật Đảng (đồng thời hoặc trước khi vụ án kết thúc) theo quy định của điều lệ Đảng.
Kỷ luật Đảng là một quy trình riêng, thủ tục riêng được áp dụng đối với cán bộ đảng viên vi phạm điều lệ Đảng. Việc xử lý kỷ luật đảng không đồng nghĩa với việc kỷ luật về mặt chính quyền cũng như xem xét trách nhiệm pháp lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nói cách khác người bị kỷ luật đảng là do vi phạm điều lệ Đảng. Ngoài việc bị xử lý kỷ luật đảng mà hành vi đó đến mức phải xử lý kỷ luật theo luật cán bộ công chức hoặc luật viên chức cũng sẽ xem xét tiến hành kỷ luật theo quy định, mức kỷ luật cao nhất có thể là cách chức, buộc thôi việc. Cụ thể, kỷ luật mức nào thì sẽ theo quy định của luật cán bộ, công chức và luật viên chức tùy vào từng đối tượng cụ thể.
Ngoài việc bị kỷ luật đảng, kỷ luật về mặt chính quyền, người vi phạm pháp luật còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Bởi vậy, đối với những bị cáo trong vụ án này, những người đã bị khởi tố, điều tra, ngoài việc bị kỷ luật đảng, những người này cũng sẽ bị xét xử và có thể bị kết án theo quy định của pháp luật hình sự.
Đối với những người khác, nếu không đủ căn cứ được xác định là đồng phạm, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự về các tội danh liên quan đến chức vụ, trong phạm vi quản lý nhưng có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xem xét kỷ luật.
“Thông thường, những trường hợp mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là vi phạm rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét kỷ luật thì những trường hợp đó sẽ bị kỷ luật về mặt chính quyền ở mức độ có thể là cách chức hoặc cũng có thể sẽ buộc phải luân chuyển công tác sang vị trí phù hợp hơn” – luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường nói thêm, việc thực hiện hình thức kỷ luật như thế nào sẽ căn cứ vào luật cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu sai phạm ở mức độ nghiêm trọng hoặc có tính hệ thống liên quan đến đạo đức cán bộ, liên quan đến trình độ năng lực quản lý thì hình thức kỷ luật là cách chức sẽ khó tránh khỏi. Vấn đề này, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 34/2011/NĐ-NĐ về kỷ luật công chức quy định các hình thức kỷ luật công chức như sau: Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.
Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Hình thức kỷ luật Cách chức được Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định như sau: Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng; Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ các chức danh tư pháp được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành.
“Đây là vụ việc hết sức đau lòng về công tác cán bộ bởi người bị khởi tố, bị xử lý kỷ luật thuộc lực lượng thanh tra, Phòng, chống tham nhũng... Sự việc khiến suy giảm lòng tin của người dân vào đạo đức cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước nên việc xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức và các cá nhân có sai phạm là cần thiết, theo quy định của điều lệ Đảng” – luật sư Cường cho biết.
Tại kỳ họp 44, ngoài thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh, cán bộ phòng Phòng, chống tham nhũng; ông Đặng Hải Anh, cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 2. Cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Gia Yên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chánh Thanh tra Bộ.
Khiển trách đối với các ông Vũ Chí Cương, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng; Bùi Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra; Nguyễn Hải Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Thanh tra xây dựng 2; Nguyễn Thị Kim Liên, cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 3.
UBKT Trung ương cũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ba thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố tội nhận hối lộ
Nguồn: VTC Now.