Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 15/8 đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” kéo dài 12 tháng ở Genoa, thủ phủ vùng Liguria, Tây Bắc Italy, tiếp sau vụ sập cầu cạn Morandi thuộc tuyến đường cao tốc A10 ở thành phố này hôm 14/8 làm ít nhất 39 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Phát biểu họp báo tại thành phố cảng Genoa, sau cuộc họp Nội các ngày 15/8, Thủ tướng Conte cho biết ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ sẽ dành ra khoản ngân sách đầu tiên trị giá 5 triệu euro cho quỹ tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ sập cầu cạn ở Genoa, Italy ngày 14/8. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Ông Conte cũng xác nhận chính phủ đang có ý định thu hồi quyền quản lý, khai thác hệ thống đường cao tốc A10, nơi có cây cầu Morandi chạy ngang qua, của công ty Autostrade per l'Italia.
Theo ông Conte, vụ sập cầu cạn Morandi là một thảm họa khộng thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại và Chính phủ Italy sẽ làm mọi việc có thể trong thẩm quyền của mình nhằm ngăn chặn các thảm họa tương tự tái diễn.
Hiện công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích đã bước sang đêm thứ hai ở Genoa, sau khi một đoạn cầu dài khoảng 200 mét nằm trên tuyến đường cao tốc A10 bị sập và rơi xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới từ độ cao khoảng 100 mét.
Trong khoảnh khắc được mô tả như "ngày tận thế," nhiều ôtô đang lưu thông trên cầu đã bị rơi theo đoạn cầu sập và bị vùi trong đống đổ nát cùng các nạn nhân mắc kẹt bên trong.
Thủ tướng Conte dự đoán số người thiệt mạng trong thảm họa này có thể sẽ còn tăng, đồng thời cho biết Italy cũng sẽ tuyên bố quốc tang, có thể vào thời điểm trùng với ngày tổ chức tang lễ cho các nạn nhân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli cùng ngày tuyên bố chính phủ nước này sẽ đưa ra một “Kế hoạch Marshall thực sự” nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ của nước này sau vụ sập cầu cạn Morandi.
Trong một đăng tải trên Facebook, ông Toninelli cũng kêu gọi những nhà quản lý hàng đầu của công ty tư nhân Autostrade per l'Italia, vốn đang vận hành cây cầu Morandi, từ chức.
Cả ông Toninelli lẫn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini còn đề nghị thu hồi quyền quản lý, khai thác hệ thống đường cao tốc A10 của Autostrade, đồng thời cáo buộc công ty này đã không làm tròn trách nhiệm của mình.
Hiện Autostrade cũng còn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt một khoản tiền lên tới 150 triệu euro.
Trong khi đó, Autostrade nhấn mạnh tiến trình bảo trì cây cầu dựa trên những kết quả của các lần kiểm tra và đã được Bộ Giao thông Italy thông qua.
Tuyên bố khẳng định các kỹ thuật viên của Autostrade đã tin tưởng vào sự giám sát và đánh giá công trình xây dựng cầu cạn của các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Theo nhà thầu thuộc tập đoàn Atlantia này, không có vấn đề nào phát sinh trước xảy ra vụ việc trên./.