Đây là đoạn có tổng chiều dài 65 km từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Bị cáo cho rằng trách nhiệm thuộc chủ đầu tư
Theo cáo buộc, các nhà thầu và đơn vị liên quan không làm đúng yêu cầu thiết kế. Hồ sơ nghiệm thu thi công cũng bị các bên ghi khống số liệu. Đáng chú ý, vật liệu đá dăm để rải mặt đường không đạt yêu cầu, chứa nhiều tạp chất nên không đảm bảo kết dính.
Kết quả giám định cho thấy các lớp nền, móng, mặt đường thuộc giai đoạn một không đảm bảo tiêu chuẩn. Hậu quả khiến cao tốc 34.500 tỷ chi chít "ổ gà", nứt gãy. Đặc biệt, các đoạn thi công kém chất lượng đều bị hư hỏng khi vừa được đưa vào sử dụng.
36 bị cáo cùng bị truy tố ở khung hình phạt 10-20 năm tù. Ảnh: N.H. |
Trả lời HĐXX, nhóm bị cáo trên thừa nhận hành vi như VKS truy tố. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn, không đồng tình với một số nội dung trong kết luận giám định.
Phan Ngọc Thơm (cựu Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 3B) cho rằng với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cần có một cơ quan giám định chuyên ngành sâu hơn để đánh giá những sai sót về kỹ thuật và vật liệu.
Bị cáo Thơm khai trước khi nhận đá dăm, các nhà thầu trong đó có liên danh 3B đã được chủ đầu tư và đơn vị liên quan chấp thuận việc sử dụng vật liệu này. Ông Thơm cho rằng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.
Quản Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 3B) nêu ý kiến rằng cơ quan giám định tính giá trị thiệt hại chưa phù hợp. Các bị cáo mong HĐXX xem xét kết luận giám định để làm rõ bản chất của vụ án.
Đối đáp với nhóm bị cáo, chủ tọa Vũ Quang Huy nhấn mạnh trong giai đoạn điều tra và truy tố, cơ quan chuyên môn đều dựa trên cơ sở khoa học để giám định chất lượng công trình. Do đó, HĐXX sẽ căn cứ kết quả giám định để đánh giá, kết luận.
Phải thi công do áp lực công việc
Trong phiên xét hỏi, một số bị cáo trình bày họ là người làm công ăn lương và kiến nghị tòa sơ thẩm đánh giá hành vi, vai trò của từng người.
"Bị cáo ra công trường chỉ mong làm lợi cho Nhà nước, không cố tình sai phạm đến mức gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng như cáo trạng quy kết", Nguyễn Đức Dũng (giám sát viên vật liệu gói thầu số 7) trình bày.
Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chi chít "ổ gà". Ảnh: Minh Hoàng. |
Hoàng Trung Hậu (kỹ sư vật liệu các gói thầu số 1 và 2) còn cho rằng khi phát hiện vật liệu có dấu hiệu kém chất lượng, nhiều người đã cảnh báo lên cấp trên nhưng không ai có động thái gì. Do bị động, họ phải tiếp tục thực hiện công việc theo phân công.
"Bị cáo có áp lực về công việc, khối lượng công việc lớn nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi thiếu sót, mong HĐXX xem xét”, ông Hậu trình bày.
Nguyễn Thành An (Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 7, Giám đốc Ban điều hành Cienco 1) cho rằng trách nhiệm trong giám sát chất lượng công trình thuộc về đơn vị kỹ thuật và giám sát, không phải do nhà thầu thi công.
Tham gia xét hỏi chiều cùng ngày, đại diện chủ đầu tư dự án là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) kiến nghị HĐXX xem xét bản chất của vụ án để đánh giá vai trò của các bị cáo.
"Nhiều bị cáo là người làm công, không phải chủ thể ký kết với nhà đầu tư. Mong HĐXX lượng hình, xem xét mức án thấp nhất có thể đối với các bị cáo", đại diện VEC trình bày.
Theo phía chủ đầu tư, giai đoạn một dự án cao tốc được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng. VEC cho rằng trong quá trình thi công, các bị cáo có thể mắc những sai sót nhất định.
"Tuy nhiên, họ không tư lợi mà ai cũng muốn nhanh chóng đưa cao tốc vào sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội", đại diện VEC nêu quan điểm để HĐXX đánh giá.
Đoàn xe chở bị cáo vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Hai cựu Phó tổng giám đốc VEC và 6 bị cáo khác được dẫn giải đến TAND Hà Nội sáng 23/11. Họ liên quan sai phạm trong việc thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.