Khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến vụ việc PV Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị cảnh sát hình sự huyện Đông Anh đánh (ngày 23/9) nhưng sau đó PV này bị xử phạt hành chính hơn 14 triệu đồng.
“Chúng tôi cho rằng việc xem xét để áp dụng xử phạt đối với hành vi này trước hết phải căn cứ vào Quyết định 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm; thứ hai là Nghị định 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước” - ông Sơn (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) cho biết.
Ông Sơn cho rằng ngoài việc căn cứ vào cơ sở pháp lý nêu trên cũng cần căn cứ thực tế vụ việc diễn ra. Việc xử lý phải căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, căn cứ vào hồ sơ thực tế.
Hiện trường vụ phóng viên Quang Thế bị công an "gạt tay trúng má". |
Ông Sơn cũng cho biết nhiều người đặt câu hỏi việc xử phạt không lập biên bản có vi phạm trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính hay không.
Căn cứ vào Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, về mặt nguyên tắc, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản để ghi nhận hành vi vi phạm hành chính. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để sau này ra quyết định xử lý vi phạm. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định một số trường hợp việc xử phạt không cần thiết phải lập biên bản.
Trường hợp thứ nhất liên quan đến khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Phạt tiền cảnh cáo, phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức thì người xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ, không lập biên bản.
Trường hợp thứ hai theo Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, trường hợp này trong hồ sơ vụ việc phải có một trong các tài liệu sau: Quyết định không khởi tố vụ án, hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố hình sự, hoặc quyết định đình chỉ điều tra, hoặc quyết định đình chỉ vụ án.
“Do Bộ Tư pháp không có thẩm quyền trực tiếp giải quyết vụ việc, không trực tiếp quản lý hồ sơ vụ việc nên không có đủ căn cứ khẳng định việc giải quyết này đúng hay sai” - ông Sơn cho biết.
Ông Đặng Thanh Sơn cũng nói thêm Bộ Công an đang tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc. PV Quang Thế và báo Tuổi Trẻ cũng đã có văn bản khiếu nại về vụ việc. Để việc giải quyết được tiến hành khách quan, sau khi có kết luận chính thức của Thanh tra Bộ Công an, nếu cần thiết thì Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có ý kiến cụ thể.