Tro bụi phủ kín một hòn đảo sau vụ phun trào núi lửa Tonga. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi cho rằng năng lượng được giải phóng từ vụ phun trào tương đương khoảng 5 đến 30 megaton TNT”, Jim Garvin - nhà khoa học của NASA cho biết trong một thông cáo báo chí. Con số này cao gấp hàng trăm lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 8/1945. Quả bom có sức công phá khoảng 15 kiloton TNT (1 megaton = 1.000 kiloton).
NASA cho biết vụ phun trào gần như đã "xóa sổ" hòn đảo núi lửa cách thủ đô Nuku'alofa của Tonga khoảng 65 km về phía bắc. Ít nhất 2 ngôi làng đã biến mất hoàn toàn.
Tro bụi từ núi lửa bao trùm một khu vực rộng lớn, làm nhiễm độc nguồn nước và ảnh hưởng đến mùa màng.
Vụ phun trào cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 3 người ở Tonga và khiến 2 người đi biển ở Peru thiệt mạng sau khi những cơn sóng thần dữ dội ập vào quốc gia Nam Mỹ này.
Giới chức Peru đã phải ban bố tình trạng thảm hoạ môi trường sau khi sóng lớn đánh trúng một tàu chở dầu gần Lima, tạo ra một vết dầu loang lớn dọc theo bờ biển.
Ở Tonga, thiệt hại từ vụ phun trào vẫn chưa được thống kê đầy đủ do thông tin liên lạc đang gián đoạn. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, New Zealand và Úc đã bắt đầu gửi đồ viện trợ khẩn cấp, đặc biệt là nước sạch, đến Tonga.
Nhà báo Mary Lyn Fonua từ Nuku'alofa cho biết người dân địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
“Tất cả những người ở đây chưa từng trải qua điều gì tương tự. Sóng xung kích từ vụ phun trào làm rối loạn não bộ của chúng tôi. Giờ chúng tôi mới bắt đầu trở lại bình thường."
Bà Fonua cho biết lớp bụi bẩn màu xám mịn bao phủ mọi thứ. “Nó làm cay mắt bạn, làm lở loét khoé miệng. Móng tay ai cũng bị đen”, Fonua miêu tả. “Chúng tôi cần một đợt mưa cực lớn để cuốn trôi tất cả đám bụi bẩn này.”