Câu chuyện bi kịch gia đình cựu Cục trưởng Hàng Hải - Dương Chí Dũng vẫn còn nóng nguyên tính thời sự, khi cuối tuần trước Cơ quan ANĐT Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đại tá Dương Tự Trọng – em trai ông Dũng.
Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 22/2, đại tá Dương Tự Trọng (nguyên Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về TTXH, Bộ Công an, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng) bị bắt tạm giam về hành vi tổ chức giúp anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Điều đáng nói, từ những sai phạm của Dương Chí Dũng, đã kéo theo 6 cán bộ trong ngành công an - là những người thân, chiến hữu ruột thịt của ông Dũng - ông Trọng lần lượt rơi vào vòng lao lý.
Nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận gần đây, có lẽ phải nhắc nhiều đến em trai ông Dũng, đại tá Dương Tự Trọng.
Sau hàng chục năm phấn đấu trong lực lượng vũ trang, danh tiếng lẫy lừng khi liên tiếp tham gia hoặc chỉ đạo phá án thành công nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phát lộ hàng chục đường dây giang hồ đất Cảng.
Nhưng rồi, vì chuyện của anh trai, ông Trọng đã quay về con số không tròn trĩnh.
Trước khi rời mảnh đất Hải Phòng để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công an, ông Dương Tự Trọng từng giữ cương vị Phó giám đốc Công an Hải Phòng, Thủ trưởng cơ quan CSĐT - Công an TP Hải Phòng.
Con đường quan lộ đang sáng ngời, và nhiều người còn tin tưởng, với tài năng và kinh nghiệm dạn dầy, ông Trọng sẽ còn phấn đấu và cống hiến ở nhiều vị trí cao hơn nữa trong ngành công an.
Nhưng khi anh trai bị điều tra liên quan đến những sai phạm tại Vinalines, dù là người hiểu biết pháp luật, nhưng nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng đã buộc nhúng chàm. Tất cả đều là lụy một chữ “tình”.
CQĐT nhận định, liên quan việc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn còn có thượng tá Vũ Tiến Sơn (cựu Phó phòng CSHS Hải Phòng) và 4 cán bộ công an Hải Phòng khác, phần lớn trong họ là những người thân tín của đại tá Dương Tự Trọng.
Ngoài ra, do giúp ông Dũng bỏ trốn bằng những giấy tờ giả mạo, cựu cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng Đồng Xuân Phong đang phải sống chui lủi trong sự truy tìm gắt gao của cơ quan điều tra.
Cùng là câu chuyện phạm tội vì người thân, cách đây không lâu, dư luận từng xôn xao vụ án giết người, cướp tiệm vàng tại Bắc Giang, mà tên tuổi của hung thủ tràn ngập trên các trang báo: Lê Văn Luyện.
Do chưa đủ 18 tuổi, Lê Văn Luyện đã thoát mức án cao nhất, sát thủ này có 18 năm trong trại giam để suy ngẫm về hành vi của mình. Nhưng, điều đáng nói hơn, Luyện không thụ án một mình.
Hung thủ kéo theo 5 người thân, trong đó có cả cha đẻ cùng những người ruột thịt vào vòng lao lý với các tội danh: Không tố giác, Che giấu tội phạm...
“Sẽ đặt chữ tình khi lượng hình”
Trong hệ thống pháp luật, về căn bản bất cứ hành vi phạm tội nào sẽ bị xử lý theo tính chất, mức độ của hành vi. Tuy nhiên, câu chuyện “phạm tội vì người thân” lại có chút ngoại lệ.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội) phân tích, pháp luật không cho phép nương tay đối với những người phạm tội.
Tuy vậy, nếu đó là những trường hợp người ruột thịt, máu mủ, hoặc vợ chồng, các nhà làm luật sẽ cân nhắc tới chữ “tình” trong đó.
“Người chồng bị bắt về hành vi phạm tội nào đó, thật khó khi cứ ép buộc người vợ phải biết chồng mình phạm tội, và phải tố giác tới cơ quan pháp luật. Trong quan hệ vợ chồng, ngoài việc tuân thủ những quy định chung của luật pháp, họ còn bị sự điều chỉnh của đạo đức xã hội, đạo làm vợ, làm chồng” – thẩm phán Văn dẫn chứng.
Cũng theo thẩm phán Văn, đơn cử như Tội không tố giác tội phạm, chính vì có sự cân nhắc về chữ “tình”, pháp luật chỉ buộc những người thân, như ông bà, bố mẹ, vợ chồng... phải chịu trách nhiệm hình sự khi thân nhân của họ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bàn về những hành vi đặc thù này, theo luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội), về cơ bản, pháp luật sẽ xem xét “có mức độ” đối với những hành vi phạm tội vì người thân. Tuy vậy, khi lượng hình, điều quan trọng là phải làm rõ được động cơ, mục đích phạm tội.
“Có nhiều trường hợp, thân nhân kẻ phạm tội che giấu hoặc không tố giác tội phạm, cũng chính là che giấu tội phạm của chính mình, nhằm che đậy một hành vi phạm tội khác. Hoặc, nếu cố tình che giấu, để người thân tiếp tục có điều kiện đi phạm tội mới, hay cản trở cơ quan điều tra phá án thì cần xem xét, xử lý nghiêm minh” – luật sư Đăng nói thêm.
1.Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2.Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này. 3.Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. (Điều 314 BLHS: Tội không tố giác tội phạm) |
TIN LIÊN QUAN