Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Vi phạm tố tụng để kéo dài vụ án

(Kiến Thức) - “Trong vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ cơ quan điều tra có hành vi vi phạm tố tụng để kéo dài thời gian giải quyết vụ án”- Luật sư Hoàng Long Hà– Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Liên quan đến vụ chìm ca nô ở biển Cần Giờ (TP HCM) từng xôn xao dư luận. Cuối tháng 8/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an TP HCM đã kết thúc điều tra bổ sung vụ án chìm ca nô xảy ra vào tháng 8/2013. So với bản kết luận điều tra lần đầu, kết luận điều tra bổ sung của PC44 gần như không có gì mới.
Hai bị can gồm ông Vũ Văn Đảo (SN 1968, quê Hải Phòng – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc) và ông Đinh Văn Quyết (SN 1980, quê Nam Định – Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu- Maria) tiếp tục bị đề nghị truy tố tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Vu chim ca no o Can Gio: Vi pham to tung de keo dai vu an
Vụ tai nạn giao thông chìm ca nô ở biển Cần Giờ  đã kéo dài 5 năm vẫn chưa có hồi kết.
Điều đặc biệt, trong kết luận điều tra bổ sung lần này, những yêu cầu của TAND TP HCM sau 2 lần trả hồ sơ vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ. Những vấn đề mấu chốt của vụ án vẫn chưa đang khiến dư luận băn khoăn. Liên quan vấn đề này, PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Hoàng Long Hà– Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Vì sao phải mất hơn 3 năm, cơ quan điều tra mới có thể ra kết luận điều tra bổ sung?
Không phải mất quá nhiều thời gian để điều tra vụ một án về tai nạn giao thông mà nguyên nhân của vụ tai nạn đó đã được cơ quan chức năng (trong vụ án này là Cục Hàng hải Việt Nam) xác định rất rõ ràng ngay từ ban đầu.
Lý do cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả trưng cầu giám định ca nô BP 12-04-02 (ca nô bị nạn) theo yêu cầu của tòa án.
Sau khi có kết luận giám định thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định phục hồi điều tra.
Trong vụ án này mặc dù đang trong thời gian tạm đình chỉ điều tra nhưng cơ quan điều tra vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng (ra các quyết định trưng cầu giám định lại) và thời gian tạm đình chỉ mất đến hơn 3 năm chỉ để chờ kết luận giám định theo ý muốn của cơ quan điều tra, thì đó là hành vi vi phạm tố tụng để kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Vụ án chìm cano ở Cần Giờ là vụ án có hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án vào ngày 4/9/2013 theo Điều 214, BLHS 1999 với thời hạn điều tra là 4 tháng, được gia hạn tối đa không quá 2 lần mỗi lần không quá 4 tháng, tổng thời gian điều tra không quá 12 tháng thì cơ quan điều tra phải ban hành kết luận điều tra.
Nhưng cơ quan điều tra đã vi phạm thời hạn điều tra khi ban hành bản kết luận điều tra vào ngày 12/9/2014, vượt quá thời hạn luật định 8 ngày. Khoản 6, Điều 119 BLTTHS 2003 quy định “Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.”
Như vậy nếu cơ quan điều tra thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì vụ án này phải đình chỉ từ ngày 4/9/2014 mà không phải kéo dài hơn 5 năm qua.
Luật quy định nếu tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng, tuy nhiên trước khi vừa hết thời hạn điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra ban hành quyết định tạm đình chỉ vào ngày 28/8/2015 để chờ kết quả trưng cầu giám định. Dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng cơ quan điều tra làm thế có phải để ngâm án (!?)
- Tình tiết đáng chú ý trong vụ án này là, trước đây cơ quan điều tra xác định ca nô bị nạn là của lực lượng biên phòng, sau khi điều tra bổ sung thì lại là của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc do ông Vũ Văn Đảo làm giám đốc. Và đây cũng là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự bị can. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo như kết luận điều tra bổ sung, thì căn cứ vào hợp đồng mua bán giữa Công ty Việt Séc và Biên phòng thì không thể phủ nhận tài sản này thuộc quyền quản lý, sử dụng của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trên thực tế Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã nhận bàn giao tàu và đã được Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm để đưa vào sử dụng.
Như vậy con tàu này đã thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Biên phòng mà không thuộc về ông Đảo hay của Công ty Việt Séc nữa.
Có thể, về mặt thủ tục nội bộ, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu chưa hoàn tất công tác đăng ký phương tiện nhưng không thể vì vậy mà phủ nhận phương tiện này không phải của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khi nó đã được mua bán, nhận bàn giao và đăng kiểm đưa vào sử dụng từ trước khi xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên theo tôi, phương tiện của ai cũng không là vấn đề quan trọng khi mà cơ quan điều tra không chứng minh được nguyên nhân tai nạn là do phương tiện “rõ ràng không bảo đảm an toàn”. Điều này đã được chứng minh trong kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do “chở quá số người và gặp thời tiết bất lợi”…, không có lý do “con tàu rõ ràng không đảm bảo an toàn”.
Như vậy vụ án này không có ai phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” như cơ quan tố tụng đã quyết định khởi tố.
- Chiếc ca nô bị nạn gần như "biến mất" khỏi kết luận điều tra ban đầu cũng như điều tra bổ sung của cơ quan công an. Ông có đánh giá gì về vấn đề pháp lý này. Phải chăng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan Công an hay VKS cứ việc truy cứu còn vật chứng để xem xét trách nhiệm của bị can trong một vụ án có tồn tại hay không, không quan trọng?
Việc ca nô bị tai nạn không được coi là vật chứng của vụ án nhưng cơ quan điều tra lại ra các quyết định trưng cầu giám định nhiều lần suốt 3 năm qua (trong thời gian vụ án đang tạm đình chỉ hoạt động điều tra) là điều chưa từng có trong tiền lệ khi xử lý các vụ án hình sự.
Việc điều tra vụ án sẽ không khách quan, toàn diện khi cơ quan tố tụng đã xem phương tiện gây tai nạn không phải là vật chứng của vụ án.
Qua những thông tin về vụ án cho thấy, sau một thời gian điều tra, liên ngành tố tụng ở TP HCM đã xác định vụ án không thuộc thẩm quyền của mình và tiến hành chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xử lý.
Nhưng khi cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng không nhận vụ án thì cơ quan công an, VKS ở TP HCM vẫn cứ làm là vi phạm về thẩm quyền dẫn đến việc điều tra, truy tố không khách quan, toàn diện.
Được biết, Cơ quan Điều tra hình sự Quân chủng Hải Quân cũng đã có văn bản trả lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM khẳng định đăng kiểm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy cũng đủ cơ sở để cơ quan công an, VKS TP HCM đình chỉ vụ án. Họ cần tôn trọng sự thật khách quan, không nên để vụ án kéo dài gây bức xúc dư luận.
- Kết luận điều tra bổ sung lần này không đưa văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định ca nô là của lực lượng quốc phòng. Sự thiếu sót này ảnh hưởng như thế nào trong việc tìm ra sự thật của vụ án?
Trong giai đoạn điều tra chính thức, cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can về hành vi “Điều động cano” không bảo đảm an toàn nhưng khi không thể chứng minh được các bị can có quyền điều động được phương tiện của lực lượng vũ trang, thì cơ quan điều tra lại quy kết cho các bị can đã có hành vi sai phạm là “Đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam” thành tội phạm chỉ vì vội vã dựa vào văn bản số 1378 ngày 1/7/2013 của Cục đăng kiểm Việt Nam mà không xác minh đúng hay sai.
Ngay cả việc nếu các bị can có sai phạm đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền thì cũng không phải là tội phạm nếu như đó không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ án, vì Hiến pháp và pháp luật đang khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống để phát triển kinh tế.
Để sửa sai, ngày 25/6/2015, Cục đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Cơ quan điều tra và VKS giải thích việc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền là đúng pháp luật, đúng theo Giấy phép kinh doanh.
Tàu bị tai nạn BP12-04-02 đơn vị sử dụng là của Biên phòng nên việc đăng kiểm theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Việc cơ quan công an không đưa văn bản số 2411 ngày 25/6/2015 của Cục Đăng kiểm Việt Nam giải thích về công nghệ mới sản xuất tàu thuyền và việc đăng kiểm tàu BP12-04-02 gửi các cơ quan tố tụng TP HCM là sai sót cực kỳ nghiêm trọng, làm cho hoạt động tố tụng không còn khách quan và tạo cho dư luận cảm giác, cơ quan điều tra đang cố truy cứu trách nhiệm hình sự bị can đến cùng.
Xin cảm ơn luật sư.

Đọc nhiều nhất

Con đường tiến thân của ông Nguyễn Đức Chung

Con đường tiến thân của ông Nguyễn Đức Chung

(Vietnamdaily) - Ngày 11/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án.

Tin mới

Bão Trami bao giờ vào biển Đông?

Bão Trami bao giờ vào biển Đông?

Theo Trung Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. 
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay

Ngày 21/10, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.