Tạm đình chỉ 3 cán bộ
Ngay sau khi VTV24 có phóng sự phản ánh về vụ việc gian lận, cắt đôi hàng nghìn que thử viêm gan B, HIV trước khi tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân, chiều 9/12, Bệnh viện Xanh Pôn đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ:
Gồm thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Loan - Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam - cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phan Thị Thùy Linh - cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi y sinh.
Theo phóng sự của VTV24 phản ánh, nhân viên khoa Vi sinh của Bệnh viện Xanh Pôn đã sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B do Nhật Bản sản xuất không theo hướng dẫn sử dụng.
Hình ảnh từ phóng sự của VTV 24 phản ánh. |
Để test nhanh HIV với viêm gan B, bệnh nhân được y tá lấy mẫu máu để làm xét nghiệm. Khi đã có mẫu máu của khoảng vài chục bệnh nhân, một nhân viên y tế sẽ mang từ phòng lấy mẫu sang khu xét nghiệm tại tầng 2 nhà A3 để tiến hành phân tích.
Giống như các phòng xét nghiệm trên cả nước, Khoa Vi sinh của bệnh viên Xanh Pôn cũng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B do Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, quy trình thao tác của những kỹ thuật viên tại đây lại khác hẳn hướng dẫn sử dụng.
Sau khi bóc lớp giấy bảo vệ ra khỏi que thử, nhân viên dùng kéo cắt que thử ra làm đôi, vệt kéo cắt vào giữa vị trí của vạch hóa chất xét nghiệm. Với thao tác này, 1 que thử dành cho 1 bệnh nhân đã được tách làm 2.
Quan sát kỹ có thể thấy, que thử của nhà sản xuất vạch hóa chất ở chính giữa còn que sau khi bị nhân viên y tế cắt thì vạch hóa chất lại ở mép ngoài.
Vì bị cắt nhỏ nên không đủ diện tích để viết mã số bệnh nhân theo chiều ngang que thử như quy định của nhà sản xuất mà phải viết theo chiều dọc.
Sau khi phù phép nhân đôi hàng loạt que thử cả HIV và viêm gan B, mẫu máu của bệnh nhân được nhỏ vào để làm xét nghiệm. Khoảng 4 tiếng sau, kết quả xét nghiệm đã được trả cho bệnh nhân.
Với phương pháp xét nghiệm này, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm, trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định. Theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hóa sinh, đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh.
Bệnh viện Xanh Pôn đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ. |
Theo VTV, giá thị trường một bộ kit xét nghiệm HIV gồm 100 que thử có giá là 3 triệu đồng. Suốt một thời gian dài, những que thử dư ra này bị mang đi đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Quan trọng hơn, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân rất có thể không đảm bảo chính xác khi được phân tích trên những que thử như thế này.
Liên quan đến sự việc trên, chiều ngày 9/12, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với Bệnh viện Xanh Pôn để làm rõ những thông tin được phản ánh.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, sự việc trên là hoàn toàn sai quy định của quy trình khám bệnh, chữa bệnh và quy trình xét nghiệm.
Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện Xanh Pôn làm giải trình và báo cáo với Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế trong ngày 10/12.
Cùng đó, Sở Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Xanh Pôn chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình xét nghiệm và quy trình khám chữa bệnh, chấm dứt ngay hành vi cắt đôi que xét nghiệm (test thử nhanh) nêu trên.
"Quan điểm của Sở Y tế là tập thể hay cá nhân nào sai phạm phải xử lý nghiêm minh và phải xử lý với hình thức kỷ luật cao nhất” - bà Trần Thị Nhị Hà nói.
Phải làm rõ động cơ, mục đích hành vi vi phạm
Sáng 10/12 trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, vụ việc xảy ra tại khoa Vi sinh, của Bệnh viện Xanh Pôn là rất đáng tiếc và khó có thể chấp nhận được.
"Nó phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, y đức của những cán bộ y tế liên quan. Khi những cán bộ này bất chấp các quy định của ngành y khi phương pháp xét nghiệm này, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm. Trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định...", LS Thơm bày tỏ.
Theo LS Thơm, để xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan cần thiết có sự vào cuộc của Cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm xảy ra, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm.
"Đây là hành vi của những cá nhân có chức vụ, quyền hạn được phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện...", LS Thơm nói.
Đồng thời, LS Thơm cũng nhấn mạnh, nếu có căn cứ xác định những cá nhân này vì động cơ vụ lợi hoặc cá nhân đã lợi dụng công việc được giao gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.
Cụ thể: nếu các cá nhân làm trái công vụ để vụ lợi từ 10.000.000 đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo định khoản tăng nặng của Điều 356 BLHS.