Đủ tai họa từ chiếc xe tập đi
Thông tin mới đây từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ về việc BV này phẫu thuật cho một bệnh nhi 8 tháng tuổi, bị ngã lún sọ thái dương đỉnh trái mà nguyên nhân từ xe tập đi, được chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ.
Theo lời kể của gia đình, bố mẹ bé có sử dụng xe tập đi cho con để cho con nhanh biết đi. Khi dùng mẹ bé đã dùng dây buộc vào cột. Nhưng mẹ bé đã bất cẩn cho con ngồi trên xe tập đi một mình và không kiểm tra mối dây buộc khiến chiếc xe tuột mối dây buộc lao xuống sân ở độ cao khoảng 1m. Cú ngã đã khiến bé bị lún thái dương đỉnh trái sâu 1cm. Bệnh nhi đã hồi phục nhanh chóng nhờ sự cấp cứu tích cực của các bác sĩ.
Trẻ dùng xe tập đi kiểu này theo các chuyên gia là không giúp trẻ đi nhanh hơn như nhiều cha mẹ nghĩ. Ảnh minh họa |
Cũng chỉ vì một phút lơ đễnh của người nhà, bé 6 tháng tuổi N.X.L ở Hà Nội bị gẫy xương hàm mặt khi chiếc xe tập đi mất đà trượt xuống cầu thang khiến va đập mạnh. Bệnh nhi được chuyển vào Bệnh viện Nhi TƯ trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt, mất nhiều máu. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu cho thở oxy, truyền dịch, truyền máu… sau đó thực hiện phẫu thuật cố định xương hàm dưới bằng nẹp vít.
Tại bệnh viện Nhi TƯ, bệnh viện Nhi đồng TP HCM… cũng từng tiếp nhận nhiều ca chấn thương sọ não, gẫy xương, bỏng… do dùng xe tập đi. Có những trường hợp dù tính mạng được cứu sống nhưng lại mất đi tri giác, vận động, phải sống đời sống thực vật sau tai nạn không đáng có này.
Theo BS Lê Thanh Hải (Bệnh viện Nhi TƯ), để trẻ một mình với xe tập đi dù chỉ không chú ý trong giây lát cũng có thể dẫn tới tai nạn gây hậu quả khó lường. Chủ yếu tai nạn hay gặp là khi cho trẻ dùng xe tập đi một mình, cha mẹ không để ý khiến trẻ bị ngã vì xe lao rất nhanh, lăn xuống bậc thềm, cầu thang… Thông thường các loại xe tập đi chỉ cần đẩy nhẹ cũng có thể chạy từ đầu nhà đến cuối nhà khiến trẻ khó kiểm soát tốc độ do không có bộ phận giảm trơn trượt.
Nhiều nước đã khuyến cáo không sử dụng
Các chuyên gia cho rằng, ở nhiều nước như Hòa Kỳ, Canada… đã có khuyến cáo không nên sử dụng xe tập đi loại dạng hình tròn cho bé ngồi ở trong xe. Thậm chí ở Canada còn cấm sử dụng xe tập đi từ 2004, ai bán loại xe này còn có thể bị phạt đến 100.000 dollar Canada và phạt tù tới 6 tháng.
Nhưng ở nước ta, nhiều bậc cha mẹ vẫn sử dụng loại xe tập đi này vì cho rằng chúng sẽ giúp cho trẻ đi được nhanh hơn và nhờ có nó mà người lớn cũng rảnh tay để làm việc nhà. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng xe tập đi dạng tròn lại không khiến trẻ đi biết đi nhanh mà hạn chế sự phát triển của trẻ. Trẻ chậm biết đứng và biết đi hơn.
Có những trường hợp dùng xe tập đi từ sớm nhưng tới 2 tuổi vẫn chưa biết đi. Bởi thiết kế của xe tập đi không tạo thuận lợi cho kiểu đi bình thường mà trẻ được ngồi trên miếng lót đỡ khung chậu, dùng đầu ngón chân để đẩy xe mà ít đặt cả gót chân xuống. Hơn nữa, khi trẻ đứng lâu ở trong xe còn có thể gây biến dạng xương thành chân vòng kiềng, chân biến dạng do trẻ dưới một tuổi hệ xương rất mềm yếu, dễ bị thay đổi do tác động bên ngoài.
Ngoài ra, trẻ nhỏ rất thích khám phá, khi ngồi ở xe tập đi thường sẽ chới với tới các đồ vật chúng muốn lấy. Nếu không có sự giám sát, trẻ dễ bị bỏng khi ở trong xe tập đi với tay lấy ấm nước nóng, canh nóng…
Để tránh những tai nạn không đáng có, các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ nếu vẫn sử dụng xe tập đi cho trẻ cần phải theo sát để mắt đến trẻ bởi chúng có thể tự cho xe đi khắp nhà, dễ va vào các đồ vật xung quanh. Khi dùng nên buộc chặt vào một điểm nào đó.
Hơn nữa để trẻ với một phòng rộng, tránh cho trẻ ở gần cầu thang hay các bậc thềm, những chỗ dễ trơn trượt, và tuyệt đối không cho gần bếp, vật dụng nóng khi trẻ đang dùng xe tập đi. Để giúp bé tập đi, cha mẹ có thể giúp con bằng cách dắt tay con hoặc cho trẻ đủn ghế hoặc dùng xe đẩy từ đằng sau như xe con gà.