Liên quan đến thông tin bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc, trao đổi với chúng tôi, LS Chu Mạnh Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về tội nhận hối lộ.
Theo đó, một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ khi có đủ căn cứ chứng minh người đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào theo quy định của pháp luật cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Theo quy định của điều luật, lợi ích có thể tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất. Trong trường hợp lợi ích là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì phải có giá trị từ 2.000.000đ trở lên, hoặc nếu dưới 2.000.000đ thì phải có thêm các điều kiện như đã bị xử lí kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng quy định tại mục I chương các tội phạm về chức vụ.
Điều luật còn quy định nhiều tình tiết định khung tăng nặng đối với người phạm tội nhận hối lộ, căn cứ vào các tình tiết như phạm tội có tổ chức, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tội 2 lần trở lên, giá trị tài sản nhận hối lộ …, tùy theo từng trường hợp, mức hình phạt được quy định khác nhau, thấp nhất từ 2 năm tù đến mức cao nhất là tử hình.
Tang vật là hiện vật cũng sẽ được định giá để xác định giá trị bằng tiền
Khi được hỏi về việc trong biên bản chưa xác định rõ tang vật là tiền hay hiện vật, ông Cường cho rằng trong trường hợp của nhận hối lộ không phải là tiền mà là các tài sản khác, ví dụ ẩn dưới danh nghĩa quà biếu, nếu đủ căn cứ xác định quà biếu đó là tài sản nhận hối lộ thì trong quá trình giải quyết vụ án, quà biếu đó sẽ được định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự về tội nhận hối lộ, của nhận hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Trong trường hợp của nhận hối lộ là tiền, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào số lượng tiền để xác định căn cứ định khung hình phạt đối với người phạm tội.
Ông Cường đưa ra ví dụ: Khoản 4 điều 354 Bộ luật hình sự quy định nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên thì người phạm tội bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Cổng thông tin huyện Vĩnh Tường). |
Còn trong trường hợp của hối lộ là hiện vật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải tiến hành định giá giá trị của hiện vật, tài sản, lợi ích vật chất đó thành tiền để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Vị luật sư này cũng nói thêm về hành vi được cho là đưa hối lộ khi đã xuất hiện hành vi nhận hối lộ: Đưa hối lộ là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, tuy nhiên, pháp luật cũng quy định một số trường hợp người đưa hối lộ không bị xử lý về hình sự, cụ thể khoản 7 điều 364, tội đưa hối lộ quy định:
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phận hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
"Hiện nay, theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lập biên bản đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng về hành vi "vòi tiền" khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Hai cán bộ thanh tra trong đoàn đang bị tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể thấy, hiện nay, hai cán bộ thanh tra đang bị tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giữ hình sự có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày, trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn 2 lần, tối đa thời hạn tạm giữ không quá 9 ngày.
Sau khi điều tra, xác minh nếu đủ căn cứ xác định hành vi của các đối tượng liên quan có dấu hiệu phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền chưa chính thức ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cũng chưa thể kết luận chính xác các đối tượng liên quan phạm tội gì.
Bởi vì, liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để "vòi tiền", tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…", ông Cường nói.
Trao đổi trên Vietnamnet, ông Lê Tất Hiếu, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin cơ quan đã nhận được văn bản của CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc về việc đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án.
Ông Hiếu cũng cho biết, chưa xác định thời điểm nào sẽ phê chuẩn quyết định khởi tố.
"CQĐT vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc. Những người có liên quan vẫn đang bị tạm giữ, bước đầu làm đến đâu chắc đến đó", Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.
Trả lời câu hỏi, việc khởi tố vụ án theo tội danh "Nhận hối lộ" hay "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Hiếu nói: "Sẽ bàn sau".