Mới đây, TAND TP Hà Nội cho biết, đã nhận được 17/36 bị cáo đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng một số bị cáo mặc dù đang bỏ trốn nhưng vẫn được luật sư "kháng cáo thay".
Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. |
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa…
Do đó, người bào chữa được quyền kháng cáo thay cho bị cáo đối với trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi và trường hợp bị cáo là người có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần. Với người đã đủ 18 tuổi, không có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần, phải tự mình kháng cáo nếu không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm của tòa án đã tuyên.
Quyền kháng cáo là quyền cơ bản của bị cáo và do bị cáo tự mình thực hiện, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt bị cáo chưa đầy đủ nhận thức, như trường hợp là người chưa đủ 18 tuổi hoặc không thể nhận thức đầy đủ được về hành vi của mình do có nhược điểm về thể chất như khiếm thị, khiếm thính, bị mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức...
Đối với người đã đủ 18 tuổi không có nhược điểm về tâm thần, không có nhược điểm về thể chất phải tự mình kháng cáo, người bào chữa không có quyền kháng cáo trong trường hợp này.
Pháp luật Việt Nam cũng không quy định trường hợp bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, người bào chữa được quyền kháng cáo thay. Quyền kháng cáo của người bào chữa được quy định cụ thể tại khoản 2, điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự. Bởi vậy, ngoài trường hợp quy định tại khoản 2, điều 331 Bộ luật Tổ tụng hình sự, người bào chữa không có quyền kháng cáo đối với các trường hợp khác, các bị cáo khác.
Ngoài ra, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ quyền của người bào chữa. Trong đó, có quyền được gặp bị can, bị cáo phải được tham gia hỏi cung, đối chất, nhận dạng, được quyền khiếu nại các văn bản quyết định tố tụng... Những điều luật này cũng không quy định người bào chữa được quyền kháng cáo thay cho bị cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 331 Bộ luật Tổ tụng hình sự nêu trên.
Do đó, việc người bào chữa của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có đơn kháng cáo thay cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tòa án cấp sơ thẩm sẽ tiếp nhận đơn để xem xét trường hợp này có thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự hay không.
Theo thông tin từ phía các cơ quan tố tụng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người đã thành niên, nếu không có căn cứ cho thấy bà Nhàn có nhược điểm về tâm thần hoặc về thể chất, tòa án có thể sẽ không chấp nhận đơn kháng cáo này, coi đơn kháng cáo là không hợp lệ, sẽ không thụ lý đối với nội dung kháng cáo này.
Kể từ khi nhận được bản án hoặc biết được thông tin nội dung bản án trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời hạn 15 ngày, các bị cáo đang bị truy nã như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có quyền tự mình kháng cáo theo quy định pháp luật.
Còn trường hợp gia đình các bị cáo đang bị truy nã có căn cứ cho thấy bị cáo đang bị nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần khiến bản thân không thể tự mình kháng cáo có quyền cung cấp những thông tin này, các tài liệu kèm theo để chứng minh cho người bào chữa để người bào chữa căn cứ vào quy định tại khoản 2, điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự để kháng cáo thay cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị cáo hoàn toàn bình thường, do trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật nên đã bỏ trốn và bị truy nã sẽ không thể thực hiện được quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Theo thông tin từ tòa án, cả 8 bị cáo bỏ trốn trong vụ án này đều được luật sư bào chữa kháng cáo thay.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC (hiện vẫn đang bỏ trốn), bị cấp sơ thẩm tuyên án vắng mặt 30 năm tù nhưng luật sư của người này "kháng cáo thay".
Luật sư của Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao và chưa được tranh luận làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
7 bị cáo khác hiện cũng đang bỏ trốn cũng có đơn kháng cáo. Luật sư của các bị cáo này cũng kháng cáo xin giảm nhẹ cho thân chủ của mình hoặc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm với lý do chứng cứ không đầy đủ, quá trình điều tra có thiếu sót…Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết - nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, ngoài đơn kháng cáo do luật sư bào chữa làm thay, bị cáo Thuyết cũng gửi đơn kháng cáo từ Mỹ gửi về, xin được giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt quả tang thiếu úy Công an nhận hối lộ của người ghi đề
Nguồn: THĐT