Khi các ông lớn viễn thông như Viettel, VNPT muốn đầu tư ngoài ngành vào truyền hình, Đài truyền hình VN và nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đồng loạt phản ứng mạnh mẽ.
Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đã đồng loạt có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị có ý kiến chính thức về việc này. Họ “cảm thấy rất sốc và bất ngờ trước những ý tưởng kinh doanh mà chắc chắn sẽ kéo theo sự lãng phí quá lớn về tiền của, Ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đồng”.
VTV nêu quan điểm, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam tương đối nhỏ, tốc độ phát triển thuê bao mới trong thời gian qua đang có xu hướng chậm lại do truyền hình vệ tinh của VSTV (K+), VTC, HTV đã phủ sóng cả nước, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của các tầng lớp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, truyền hình số mặt đất chất lượng cao (công nghệ DVB-T2) của VTV, VTC, AVG có diện phủ sóng rộng, giá cả hợp lý và phù hợp với xu hướng số hóa truyền hình. Hơn nữa, ở các thành phố, thị xã, thị trấn, các tỉnh đồng bằng đều có ít nhất hai mạng cáp, đã đáp ứng nhu cầu đa dạng, đa dịch vụ của người dân có thu nhập khá trở lên. Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam, dịch vụ MyTV của VNPT, NetTV của Viettel, đã được phủ sóng đến hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn quốc.
VTV cho rằng việc các Tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Hơn nữa, các đơn vị này không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình – một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Quan trọng hơn, nó dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.
Hiệp hội truyền hình "vào cuộc"
Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản chính thức đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông không cấp phép triển khai thêm mạng cáp truyền hình HFC cho các đơn vị mới. Nguyên nhân sâu xa là nếu đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, hiện tượng chồng chéo mạng sẽ gây mất mỹ quan đô thị, điện năng sử dụng cho mạng cáp sẽ lãng phí nhiều.
Đơn vị này kiến nghị không cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (cáp) cho Viettel, VNPT mà khuyến khích các đơn vị này tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ IPTV đã được cấp phép, nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông, tăng cường đầu tư sản xuất thiết bị và sản xuất phần mềm. “Đây không những là những lĩnh vực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn là thế mạnh của Viettel, VNPT”- Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam nhấn mạnh.
Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thanh - truyền hình cho rằng: Cơ sở pháp lý và về sự “hợp lý” cho việc triển khai hệ thống truyền hình cáp, Viettel chỉ “vin” vào một lý do duy nhất: Đó là việc Bộ Quốc phòng quyết định sẽ sản xuất kênh Truyền hình quân đội, dự kiến khi ra đời sẽ là 1 kênh quan trọng được truyền dẫn đi khắp toàn quốc. Việc phải sinh ra 1 mạng truyền dẫn chỉ để đảm bảo cho kênh Truyền hình Quân đội được đưa đến mọi hộ gia đình là một tính toán thiếu cơ sở thực tiễn và chỉ là lý do không thuyết phục của Tập đoàn Viettel.
Hiện nay, kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV), kênh Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (V-News) và kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) là những kênh truyền hình quan trọng đều đã được phát sóng đi khắp nơi, trên tất cả các mạng truyền hình trả tiền mà không phải đầu tư 1 mạng truyền dẫn của riêng mình.
Hơn nữa, Chính phủ đã có chủ trương rõ ràng về việc sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn để truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu. Do đó, có thể hiểu rằng, kênh Truyền hình Quân đội, một khi ra đời, sẽ được coi là kênh thiết yếu mà tất cả các mạng truyền dẫn truyền hình phải tiếp sóng. Vậy đâu là cơ sở cho sự cần thiết phải bỏ thêm vài chục nghìn tỷ đồng chỉ để truyền dẫn 1 kênh truyền hình, đơn vị này đặt câu hỏi.
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 có mục tiêu là các doanh nghiệp nhà nước cơ cấu lại phạm vi hoạt động của mình, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt phục vụ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô được Nhà nước giao phó, tiến hành thoái vốn trong các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành.
Yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam... được Chính phủ thúc giục yêu cầu thực hiện nhanh, mạnh.
Theo Người Đưa Tin
[links()]