Vòng xoáy dẫn đến tù tội của dàn lãnh đạo ngân hàng GPBank

Cựu Chủ tịch ngân hàng GPBank Tạ Bá Long và đồng phạm đã sử dụng 03 công ty sân sau phát hành 3.380 tỷ đồng trái phiếu bán cho EVNFinance, thu về 3.380 tỷ đồng.

TAND thành phố Hà Nội đang xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng GPBank. Các bị cáo trong vụ án này gồm: Tạ Bá Long (nguyên chủ tịch HĐQT GPBank), Đoàn Văn An (59 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT GPBank), Phạm Quyết Thắng (44 tuổi, nguyên tổng giám đốc GPBank), Nghiêm Tiến Sỹ (44 tuổi, cựu phó tổng giám đốc GPBank), Nguyễn Anh Dung (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng GPBank) và Nguyễn Ngọc Nam (41 tuổi, giám đốc công ty Sao Bắc) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự.
Theo kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ ngân hàng GPBank theo quy định và sử dụng vào những việc khác, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng 03 công ty sân sau phát hành 3.380 tỷ đồng trái phiếu bán cho Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFinance), thu về 3.380 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch GPBank Tạ Bá Long đứng ngoài cùng bên phải, bên cạnh ông là cựu Phó Chủ tịch đầy quyền lực Đoàn Văn An.
 Cựu Chủ tịch GPBank Tạ Bá Long đứng ngoài cùng bên phải, bên cạnh ông là cựu Phó Chủ tịch đầy quyền lực Đoàn Văn An.
3 công ty này gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Thành Trung (Công ty Thành Trung), vốn điều lệ 202 tỷ đồng, do Tạ Bá Long cùng vợ và các con làm cổ đông; Công ty TNHH Đại Lải (Công ty Đại Lải), vốn điều lệ 150 tỷ đồng, do Đoàn Văn An và một số pháp nhân khác là cổ đông; Và CTCP Sân gôn Ngôi Sao Chí Linh (Công ty Chí Linh), vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do Đoàn Văn An và người nhà là cổ đông.
Có được số tiền 3.380 tỷ đồng từ bán trái phiếu 3 doanh nghiệp trên, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An dùng 2.611 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ GPBank; 512,697 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu; còn lại 225,745 tỷ đồng được cựu Chủ tịch và cựu Phó Chủ tịch GPBank sử dụng vào hoạt động đầu tư kinh doanh của Công ty Thành Trung (30,495 tỷ đồng), Công ty Đại Lải (177,847 tỷ đồng), và Công ty Chí Linh (41,157 tỷ đồng).
Sau khi được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ GPBank lên 3.018 tỷ đồng, do không có tiền trả gốc và lãi cho EVNFinance, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã bàn cách rút tiền của GPBank để lấy tiền trả nợ EVNFinance, bằng cách sử dụng Công ty Thành Trung và Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc (công ty gia đình của Đoàn Văn An) ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower (109 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án “Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank” để rút 3.900 tỷ đồng của GPBank và sử dụng 3.793 tỷ đồng (đã làm tròn trong số tiền này để trả nợ gốc và lãi cho EVNFinance. Còn lại, Công ty Thành Trung sử dụng 2,878 tỷ đồng, Đoàn Văn An sử dụng cá nhân 103 tỷ đồng.
Hành vi trên của Tạ Bá Long và Đoàn Văn An gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng và 858 tỷ đồng tiền lãi (tính đến 13/07/2015).
Trước khi GPBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng vào tháng 7/2015, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An là hai cổ đông lớn nhất của GPBank với tỷ lệ cổ phần nắm giữ lần lượt là 34,99% và 55,32%.

Tin mới