Nợ xấu tăng 4.635 tỷ đồng, tương đương 59,3% so với cuối năm 2022. |
Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của “anh cả” ngành ngân hàng đạt 41.243 tỷ đồng. Dù tăng 3.876 tỷ đồng, tương đương 10,4% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận trước thuế thực tế của VCB vẫn thấp hơn 1.729 tỷ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng 3.135 tỷ đồng, tương đương 10,5%, đạt 33.054 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, VCB ghi nhận tổng tài sản tăng 25.408 tỷ đồng, tương đương 1,4% so với cuối năm 2022 lên 1.839.613 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 2,22 lần; dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng 0,59 lần; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 2,45%; tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành tăng 1.44 % so với năm 2022.
Như vậy, kế hoạch mà ĐHĐCĐ đã thông qua là lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 42.973 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 1.977.058 tỷ đồng vào ngày 31/12/2023 đều không hoàn thành được.
Được biết, lợi nhuận trước và sau thuế của VCB tăng dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ, từ 46.831 tỷ đồng xuống 45.809 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 là 4.565 tỷ đồng, giảm 4.899 tỷ đồng, tương đương 51,8% so với năm 2022. Việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại VCB giảm mạnh dù nợ xấu tăng nhanh là điều bất ngờ.
Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu nhà băng này là 12.455 tỷ đồng, chiếm 0,98%. Nợ xấu tăng 4.635 tỷ đồng, tương đương 59,3% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% lên 0,98%.
Cấu trúc nợ xấu nội bảng của Vietcombank như sau: Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3): 1.737 tỷ đồng, tăng 318,85%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4): 2.876 tỷ đồng, tăng 267,73%; Nợ có khả năng mất vốn: 7.840 tỷ đồng, tăng 18,38%.
Đáng chú ý, nợ xấu của VCB tăng liên tục trong giai đoạn từ 2020-2023. Năm 2020, nợ xấu là 5.230 tỷ đồng (tăng 0,62%) và năm 2021 là 6.121 tỷ đồng (tăng 0,64%). Năm 2023 là 12.455 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, nợ xấu tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan tình hình kinh tế thế giới khó khăn, trong nước là những khó khăn của các doanh nghiệp vì nợ trái phiếu, thị trường bất động sản trầm lắng, khả năng sản xuất kinh doanh, trả nợ của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc VCB. |
Năm 2023, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Vietcombank liên tục có các đợt giảm lãi suất. Trong đợt cao điểm quý IV/2023, do giảm lãi suất nên thu nhập lãi thuần giảm nhẹ từ 14.809 tỷ đồng xuống 12.801 tỷ đồng. Nhưng tính chung cả năm, chỉ tiêu này vẫn tăng nhẹ từ 53.246 tỷ đồng lên 53.621 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều hoạt động quan trọng khác lại sụt giảm như: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 1.059 tỷ đồng, tương đương 15,5% xuống 5.780 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ từ 5.768 tỷ đồng xuống 5.660 tỷ đồng.
Tuy vậy, dù tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh trong năm tài chính 2023 nhưng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank lại giảm hơn một nửa so với năm trước, gần 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.
Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trên 8%, tín dụng tăng trên 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trên 10%.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch chiều 20/4, giá cổ phiếu VCB ghi nhận mức 90.500 đồng/cp.