Ông Vũ nhanh chóng khắc phục hậu quả, không trốn tránh dù có thể
Tại phiên tòa phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) chiều ngày 17/12, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, vợ ông Phạm Nhật Vũ xuất hiện với tư cách người làm chứng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có biết việc bị cáo Phạm Nhật Vũ thanh toán lại số tiền khi nhận lại AVG?, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna nói rằng: “Chồng tôi đã nhận thức pháp luật, về nhà động viên vợ con, gia đình, khắc phục, không để cho nhà nước thiệt hại”.
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna cũng nói rằng:“Để trả số tiền này, chồng tôi đã phải vay mượn rất nhiều”.
Khi chủ tọa nói rằng “Bà còn ý kiến gì không?”, bà Kolmakova xin phép HĐXX được phát biểu và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới HĐXX cho bà được phép có mặt tại phiên tòa để cung cấp thông tin.
“Tôi xin được trình bày vắn tắt 2 điều, nếu có gì sai, không rõ thì xin được tòa cho nói lại”, bà Bà Kolmakova nói.
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, vợ ông Phạm Nhật Vũ tại tòa. |
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna nói rằng: “Thứ nhất, chồng tôi là người duy nhất, theo tôi biết trong lịch sử các vụ án của Việt Nam, đã thu xếp để chủ động khắc phục hậu quả vụ án với số tiền lớn như vậy. Chồng tôi không trốn tránh, không bỏ đi đâu hết, mặc dù anh ấy có nhiều cơ hội trốn đi nước ngoài, nhiều người khuyên anh ấy làm như vậy. Anh ấy nhiều lần tâm sự với tôi là phải khắc phục tiền cho nhà nước để chứng minh mình không lấy tiền của nhà nước, của người dân, không trốn tránh đi đâu hết. Tôi đã cùng với chồng thực hiện việc này. Chúng tôi phải gom góp tiền trong gần 1 năm trước khi trả lại cho Mobifone. Đến nay chúng tôi vẫn phải mang một phần nợ với số tiền gần 1000 tỷ đồng”.
Bà Kolmakova đặt câu hỏi, thái độ ấy, suy nghĩ ấy của chồng bà có được xem là thiết thực hay không có xứng đáng được hưởng chính sách khoan hồng thật đặc biệt hay không?
“Tôi đã sống ở Việt Nam nhiều năm rồi, coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Nhưng có nhiều cái như văn hóa, những thứ khác không đạt được như người Việt. Đối với tôi, anh Vũ là sợi dây lớn nhất và duy nhất để gắn bó với xã hội Việt Nam và cuộc sống ở đây. Nếu thiếu vắng anh ấy thì mẹ con sẽ vô cùng bế tắc, không biết sẽ sống như thế nào”, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna nói.
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna đặt câu hỏi tiếp: “ Nhiều lúc tôi nghĩ, liệu luật pháp có cần quá khắc nghiệt hay không? Có cần phải bắt bỏ tù chồng tôi hay không?”
“Tôi nói những lời như này không phải là kêu ca, mà tôi nói chồng tôi đã dám chịu trách nhiệm, đã rất thành tâm, quyết tâm sửa chữa những sai lầm đã làm, chính tôi đã cùng chia sẻ với chồng tôi”, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna nói và mong HĐXX xem xét chính sách khoan hồng thật đặc biệt vì ông Vũ đã chủ động khắc phục hậu quả, chịu trách nhiệm.
Tại phiên xét xử sáng cùng ngày, ông Phạm Nhật Vũ nói rằng, năm 2018, sau khi hủy hợp đồng thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG bị hủy, bị cáo Vũ đã được 7 cổ đông AVG ủy quyền trả lại cho MobiFone 8.445 tỷ tiền gốc và thanh toán cho MobiFone thêm chi phí phát sinh khoảng 450 tỷ đồng (mua hàng tồn kho cho MobiFone, tiền lãi, các khoản tiền khác).
"Bị cáo nghĩ không phải vay mượn đâu mà đòi lãi, nhưng mọi người nói nên tính lãi để sau này không tính thiệt hại lãi. Bên cơ quan điều tra nói thiệt hại 115 tỷ tiền lãi nhưng bị cáo trả 200 tỷ đồng. MobiFone cũng đề nghị trả 200 tỷ đồng vì tính theo ngân hàng nào đó. Bị cáo vui vẻ chấp nhận trả hết", bị cáo Phạm Nhật Vũ khai.
Nói về lý do trả lại tiền, ông Phạm Nhật Vũ thề với trời đất không có ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước, của nhân dân nên từ khi có dư luận đã bàn bạc với gia đình để chuẩn bị và việc này diễn ra một năm trước đó.
“Bị cáo trả lại để không bị mang tiếng, chứng minh mình không lấy tiền của Nhà nước. Nhiều lúc bị cáo nghĩ tới người nghèo, nếu còn vụ này mà giúp họ, người ta lại nghĩ mình giúp họ có gì khuất tất. Bị cáo nghĩ người liên quan vụ án sẽ được nhẹ trách nhiệm đi nên mới trả lại”, ông Phạm Nhật Vũ khai.
Trả lời câu hỏi về việc khi chuyển nhượng AVG thì có lãi nhiều không, ông Phạm Nhật Vũ khai rằng: “Nhẩm nhẩm thì số tiền khi bán dự án thì cũng xêm xêm chứ không lãi lắm” và cho biết, số tiền đưa cho các bị cáo Son, Tuấn, Trà, Hải là "tiền của cá nhân bị cáo từ các hoạt động kinh doanh khác từ trước đó".
Trung ương Giáo hội PGVN xin giảm án cho ông Phạm Nhật Vũ
Trước đó, liên quan vụ án trên, Trung ương Giáo hội PGVN cùng Ban trị sự Giáo hội PGVN TP Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương đã có đơn đề nghị xem xét cho cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Trong vụ án MobiFone và AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm gần 8.500 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 329 tỷ đồng tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Theo cáo trạng của viện kiểm sát, ông Phạm Nhật Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công cũng như hậu quả của vụ án. Do đó không xử lý trách nhiệm của ông Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Đồng thời, trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, ông Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, ông Phạm Nhật Vũ đã có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì vậy Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương có đơn đề nghị xem xét cho ông Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, VKS sát xác định cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại Điều 3, khoản 1, điểm d - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Đồng thời, cần áp dụng Điều 51, khoản 1, 2 (về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của ông Phạm Nhật Vũ.
Xem thêm video: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khai trừ Đảng