Liên quan vụ việc, “cư sĩ Diệu Liên”, tức bà Phạm Thị Lan – người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường được thờ trong đền Tứ Ân, chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), dư luận đặt câu hỏi, việc thờ cư sĩ Diệu Liên tại đền Tứ Ân có phù hợp?
Ngay khi những thông tin về việc vợ Giám đốc công ty Xuân Trường được thờ tại đền Tứ Ân – Chùa Tam Chúc nơi doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án, dư luận đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình bởi theo giáo lý của nhà Phật, trong chùa chỉ thờ vị Quan thế âm Bồ tát và Phật tổ Như Lai. Còn đối với người tu hành thì còn phải chịu tứ ân. Đó là: Ân quốc gia xã hội; Ân cha mẹ; Ân đà na thí chủ (người nuôi dưỡng, chu cấp) và cuối cùng là ân thầy tổ.
Đồng thời cho rằng, cần phải tách bạch hai nơi thờ Phật và thờ Tứ Ân riêng biệt nhau. Chùa là nơi du khách, Phật tử đến chiêm bái lễ Phật còn khu vực thờ Tứ ân chỉ để tham quan.
Do vậy, không ít ý kiến cho rằng, không thờ vợ đại gia Nguyễn Văn Trường trong đền Tứ Ân như ở chùa Tam Chúc hiện nay bởi dễ dẫn đến nhầm lẫn khiến du khách cúng lễ, vái lạy cả ban thờ tứ ân.
Tượng cư sĩ Diệu Liên được đặt chính giữa trong đền Tứ Ân, chùa Tam Chúc. |
Dù biết rằng, cư sĩ Diệu Liên là người có nhiều công lao góp sức xây dựng các chùa khi còn sống, trong đó có chùa Tam Chúc, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dù là người có công xây chùa, phát triển chùa nhưng chỉ nên tạc bia để ghi nhớ công đức cứ không nên xây dựng đền thờ riêng trong khuôn viên chùa Tam Chúc bởi như thế sẽ gây sự phản cảm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Trụ trì chùa Tam Chúc cho biết, đền Tứ Ân thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên nằm trong quần thể chùa Tam Chúc – Khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Đồng thời cho biết, việc thờ cư sĩ Diệu Liên là hết sức bình thường.
"Việc quyết định thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên vào đền Tứ Ân là do các thầy trong chùa quyết định", thượng tọa Thích Minh Quang nói và cho biết, cư sĩ Phật tử Diệu Liên là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) và góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính và nhiều ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
"Tại chùa Tam Chúc, cư sĩ Diệu Liên đã góp công kiến tạo xây dựng chùa nên các thầy quyết định đưa cư sĩ vào thờ tại đền Tứ Ân là điều bình thường", Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết.
Đồng thời theo Thượng tọa Thích Minh Quang, việc thờ hậu những người có công xây dựng chùa không chỉ chùa Tam Chúc mà nhiều chùa ở Việt Nam vẫn làm.
"Nhiều người vẫn mang hài cốt, di ảnh người thân lên chùa thờ, đó là chuyện bình thường. Vừa qua dư luận có thông tin về việc này là do họ chưa thực sự hiểu hết sự việc", Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Quang cảnh đền thờ Tứ Ân. |
Ghi nhận của PV Kiến Thức, quần thể chùa Tam Chúc gồm nhiều hạng mục công trình điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, chùa Ngọc, đền Tứ Ân, Trung tâm Hội nghị quốc tế… Trong đó đền Tứ Ân nằm trái Tam Quan Nội hướng đi lên quần thể chùa Tam Chúc. Đền Tứ Ân có hai tầng được ghi rõ thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên. Tại tầng 2 ngôi đền đặt nhiều bảng giới thiệu về cư sĩ Phật tử này.
Theo đó, cư sĩ Phật tử Diệu Liên, thế danh Phạm Thị Lan. Bà Phạm Thị Lan (SN 1961, mất năm 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) và góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc… Đặc biệt là các ngôi chùa: Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh... trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong tầng hai ngôi đền, có khu vực thờ đặt chính giữa có một bức tượng của bà Phạm Thị Lan được đúc bằng đồng, phía trên nóc của ngôi đền tiếp tục treo một bảng ghi danh công trạng của bà. Tại hành lang dẫn vào khu vực thờ có treo rất nhiều bức ảnh bà Phạm Thị Lan tại các điểm chùa mà bà góp công xây dựng.
Bà Phạm Thị Lan chính là người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường – chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Đồng thời cũng là chủ của những dự án tâm linh siêu khủng với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thái Nguyên.
Xem thêm video: Hàng nghìn người về chùa Hương