Vay tiền ngân hàng đầu tư trang trại chăn nuôi
Vốn quê gốc ở Quảng Ninh, sau khi gặp vợ ở Hàn Quốc, do hợp duyên nên anh Chung và vợ kết hôn, đến năm 2016 thì hai vợ chồng về nước và quyết định phát triển kinh tế tại địa phương.
Chia sẻ với PV Dân Việt, vợ anh Chung cho biết: Do có kinh nghiệm chăn nuôi gà từ khi còn bên nước ngoài, nên khi về nước, với số tiền tích góp được sau gần chục năm làm việc, cộng với vay thêm ngân hàng, năm 2017 vợ chồng chị đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà gia công quy mô hơn 1.000m2 tại xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Đến năm 2020, vợ chồng anh chị tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm một chuồng trại nuôi gà rộng hơn với diện tích 1.300m2. Ban đầu do chưa quen khách hàng, nên việc tìm thị trường đầu ra cũng tương đối khó khăn. Nhưng dần dần, từng bước vợ chồng chị đã tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng giới thiệu sản phẩm và đã có nguồn khách ổn định.
Hiện nay, tổng diện tích khu trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Chung khoảng 6.000m2, trong đó riêng diện tích chuồng trại khoảng 2.500m2. Nếu khai thác hết công suất, gia đình chị có thể nuôi 2,5 vạn gà.
Hiện gia đình anh Hà Đức Chung (Tổ dân phố Văn Hữu, thị trấn Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) có diện tích chuồng trại nuôi gà trên 2.000m2 với quy mô hơn 2 vạn gà mỗi năm. |
Theo anh Chung, đối với gà trắng đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi cao hơn các giống gà thông thường khác, phải có sự chăm sóc tỉ mỉ hơn vì loại gà này có sức đề kháng kém hơn. Trong đó, điểm cần lưu ý đặc biệt là nhiệt độ và nước uống. Thông thường, nhiệt độ thích hợp khi mới vào gà khoảng 34 – 35oC, sau đó nhiệt độ sẽ giảm dần theo ngày tuổi của gà. Đến khi gà trưởng thành, nhiệt độ thích hợp chỉ còn khoảng 19 – 20OC.
Để phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của gà, chuồng trại chăn nuôi được gia đình anh Chung đầu tư lò sưởi và giàn mát nhằm đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Với công suất như hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình anh Chung chăn khoảng 5 – 6 lứa gà, với thời gian 60 ngày/lứa. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng trên 400 tấn gà với giá bán hiện tại 31.500đ/kg.
Sau mỗi lứa xuất bán, gia đình sẽ thực hiện việc khử trùng bằng vôi và thuốc sát trùng trước khi vào lứa gà mới để đảm bảo phòng, ngừa dịch bệnh khi tái đàn. Do gà trắng có sức đề kháng kém hay mắc bệnh như Ecoli nên phải thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt là vào mùa đông khi thời tiết lạnh, dễ mắc bệnh nên càng cần chú ý sát sao hơn.
Bênh cạn đó, gia đình anh Chung còn có khoảng 5.000m2 diện tích mặt nước để chăn nuôi cá. |
Cùng với việc nuôi gà, vợ chồng anh Chung còn tận dụng những nguồn thức ăn dư thừa từ gà để nuôi cá. Hiện, gia đình anh có khoảng 5.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá, với sản lượng trung bình 20 - 25 tấn cá mỗi năm bao gồm các loại như: rô phi, trắm, chép…
Với sản lượng cá như vậy, gia đình anh Chung vẫn chủ yếu xuất bán ra thị trường tự do. Thu nhập từ bán cá mỗi năm của gia đình anh Chung khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh Chung còn trồng khoảng 4.000m2 diện tích cây ăn quả như hồng da tre, chanh và liên kết với công ty cây xanh Thái Nguyên trồng một số loại cây cảnh như: thông, chay, vú sữa, cau… Trong đó, có 1.200 cây thông, 1.000 cây cau, 500 cây vú sữa, 500 cây chay.
Để đảm bảo phát triển mô hình vườn - ao - chuồng hiệu quả, ngoài hai vợ chồng trực tiếp tham gia sản xuất, gia đình anh Chung còn thuê thêm 2 lao động làm việc thường xuyên với mức chi trả nhân công từ 7,5 – 8 triệu đồng/người/tháng và 4 – 5 lao động làm việc thời vụ với mức ngày công khoảng 300.000 – 400.000đ/người/ngày.
Lợi nhuận hàng tỷ đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp
Với mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Chung thu về khoảng gần 2 tỷ đồng lợi nhuận.
Với mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Chung thu về khoảng gần 2 tỷ đồng lợi nhuận. |
Dự định của anh Chung trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, đầu tư trang trại tách biệt ở một khu vực khác nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Trước nhu cầu thực tế đó, anh Chung mong muốn sẽ được hỗ trợ thêm nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Đánh giá về hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình anh Chung, ông Lâm Văn Đức – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hoá Thượng cho biết: Anh Hà Đức Chung là hội viên nông dân xã Hoá Thượng, năm 2017 gia đình anh đã đầu tư chăn nuôi trang trại, từ đó đến nay, vợ chồng anh lần lượt mở rộng thêm diện tích và quy mô chăn nuôi trên địa bàn.
Đến thời điểm này, theo đánh giá, anh Chung là một trong những hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2023. Có thể nói đây là một trong những hội viên nông dân có kinh tế ổn định trên địa bàn thị trấn Hoá Thượng.
"Trong thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn Hoá Thượng sẽ quan tâm, hỗ trợ về các thủ tục cấp chứng nhận VietGap trong chăn nuôi với quy mô trang trại cho gia đình anh Chung", ông Đức thông tin thêm.