Vô Ảnh cước: Được biết đến như một đòn cước thuộc hàng tuyệt đỉnh và ít ai biết được rằng cao chiêu này do Hoàng Phi Hồng trao đổi với Hồng Đông Huy đổi lại, Hoàng Phi Hồng phải truyền lại cho Đông Huy bài Hổ hạc song hình và Cung tự phục hổ quyền.
Sự ảo diệu của Vô ảnh cước nằm ở chỗ tung cú đá bằng một chân, uy lực, nhưng không hiểm để đối phương hóa giải không khó, nhưng rất mất lực. Khi vừa đỡ hoặc né xong, còn chưa định thần thì lĩnh ngay cú đá của chân kia, đó là cú đá mà đối phương không nhìn thấy được (thế nên gọi là Vô ảnh cước- cú đá vô hình).
Chân dung Hoàng Phi Hồng
Hổ hạc song hình quyền: “Hổ hạc song hình quyền” là bài quyền được Hoàng Phi Hồng chắt lọc những tinh hoa võ thuật của các môn phái để sáng tác nên. Sau đó được đệ tử là Lâm Thế Vinh chỉnh lý, biên tập lại và truyền bá rộng ra công chúng.
Bài quyền này mượn “kình” (mãnh hổ),“hình” (hổ trảo) của Hổ và “tượng” (khinh linh) của Hạc để tạo nên các chiêu thế. Hổ hình luyện khí và lực, động tác dũng mãnh, uy phong lẫm liệt. Hạc hình luyện tinh và thần, thân thủ khinh linh, đọng tác nhanh nhẹn, thể hiện sự diệu dụng của tinh thần, do đó được mang tên là “Hổ hạc song hình quyền”.
Thiết tuyến quyền: Là một trong Tam bảo của môn phái Hồng Gia. Bài quyền này được coi là bài luyện nội công cao cấp, tương truyền do một trong Thập hổ Quảng Đông là võ sư Thiết Kiều Tam truyền bá. Cách tập luyện này phải đeo vòng sắt hoặc đồng, mỗi 1 vòng thiết tuyến nặng tối thiểu 350 g, mỗi tay đeo ít nhất 2 đến tối đa 5 vòng.
Lý Liên Kiệt để lại nhiều ấn tượng khi nhiều lần vào vai Hoàng Phi Hồng trên phim ảnh
Do vòng thiết tuyến là kim loại nên khi vận động kình lực sẽ phát ra âm thanh và ma sát trên hai cánh tay khi vận động quyền pháp sẽ tạo ra sung điện từ chạy trên cánh tay.
Cung tự phục hổ quyền: Là một bài quyền thuộc Thiếu Lâm Hồng gia quyền chủ về cương ngạnh, cận chiến và bám tấn.
Ngoài ra những tuyệt chiêu khác của Hoàng Phi Hồng còn có Tử mẫu đao, Đơn song hổ trảo, Tứ lượng tiêu long côn, Song phi đà và La hán bào.
Hoàng Phi Hồng sinh ngày 9 tháng 7 năm Đạo Quang thứ hai mươi bảy (1847) là một đại võ sư của nền võ thuật Trung Quốc thời Thanh mạt. Phi Hồng sinh ở làng Lộc Đan, núi Tây Triều, thuộc phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Ông còn là một danh y với hiệu thuốc Bảo Chi Lâm nổi tiếng tại Phật Sơn (Quảng Đông). Phi Hồng được gọi là Mãnh hổ Quảng Đông nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông là một trong Quảng Đông thập hổ. |