Một cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. |
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tại cuộc họp đánh giá hoạt động hàng năm cho biết, sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sáng kiến "Thống nhất hành động" rất được đánh giá cao.
Hệ thống Liên Hiệp Quốc có vai trò quan trọng hỗ trợ cho các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt khi thời hạn 2015 đang đến rất gần.
Với sáng kiến "Thống nhất hành động," các hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc phù hợp hoàn toàn với chương trình nghị sự phát triển của Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm phong phú đa dạng và thế mạnh chuyên môn của từng tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Trong suốt 5 năm qua, Việt Nam luôn đóng vai trò tích cực trong các đánh giá về bài học kinh nghiệm thực hiện thí điểm sáng kiến "Thống nhất hành động". Quyết tâm mạnh mẽ và chủ động của Chính phủ Việt Nam trong toàn bộ quá trình cải tổ Liên Hiệp Quốc đã thể hiện rõ nét trong chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Đây là những thành tố quyết định đối với sự thành công của sáng kiến "Thống nhất hành động".
Tại Việt Nam, sáu trụ cột chính của cải tổ Liên Hiệp Quốc đã xác lập phương thức điều hành hoạt động mới. Sáng kiến "Thống nhất hành động" là một mô hình cải cách toàn bộ cách vận hành của Liên Hiệp Quốc sao cho phù hợp với thực tế của một quốc gia có thu nhập trung bình.
Trong những năm qua, Liên Hiệp Quốc đã tập trung những kiến thức, kinh nghiệm phong phú đa dạng trên nhiều lĩnh vực, cũng như tập trung nguồn lực của toàn bộ hệ thống các tổ chức của mình để có những đóng góp giá trị cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.