Virus gây bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi kép, hình bầu dục, có màng ngoài lipoprotein. Màng ngoài bảo vệ các enzyme, DNA và các yếu tố phiên mã của virus.
Virus đậu mùa khỉ giống 96,3% với virus Variola về vùng mã hóa của nó, nhưng khác nhau ở các phần của bộ gen mã hóa độc lực và phạm vi vật chủ.
Ảnh: Wikipedia. |
Theo CDC Mỹ, virus đậu mùa khỉ có hai nhánh: I và II. Trong đó, nhánh I có tỷ lệ tử vong khoảng 10%, nhánh II hiếm khi gây tử vong.
Hơn 99% bệnh nhân nhiễm virus đậu mùa khỉ nhánh II có khả năng sống sót. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, trẻ dưới 1 tuổi, người có tiền sử bệnh chàm và những người đang mang thai hoặc cho con bú có thể dễ bị bệnh nặng hoặc tử vong hơn.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, có thể lây lan giữa người với người hoặc từ động vật sang người.
Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc tiếp xúc gần trong và sau khi sinh,...
Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: TP HCM lên kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ
Nguồn video: THĐT