Nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 Nano Covax tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. (Ảnh: Quỳnh Trần). |
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang đàm phán chuyển giao công nghệ vắc xin với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. |
Cùng với sản phẩm đang đàm phán chuyển giao công nghệ vắc xin của Vingroup thì sản phẩm vắc xin chuyển giao còn lại là vaccine Sputnik-V do Công ty AIC và Công ty Vabiotech ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản) thực hiện.
Vốn điều lệ của Vinbiocare là 200 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Vingroup đầu tư 138 tỷ đồng, tương đương 69% vốn điều lệ. Nhà đầu tư còn lại là cá nhân Phan Thu Hương, góp 2 tỷ đồng, Phan Quốc Việt góp 60 tỷ đồng. Bà Mai Hương Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinbiocare.
Trong tháng 8/2021, Tập đoàn Vingroup có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng chống COVID-19 công nghệ như “Pfizer”. (Ảnh minh họa). |
Chia sẻ với báo giới về việc thúc đẩy đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ vắc xin phòng COVID-19, Phó GS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng là hết sức cần thiết.
Khi đó, Việt Nam có thể chủ động sản xuất vắc xin phục vụ nhu cầu trong nước cũng như cung cấp cho thế giới. Từ đó tiến tới tăng độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, giúp ổn định đời sống kinh tế và xã hội.
"Trước bối cảnh cả thế giới đang "khát" vắc xin phòng COVID-19, các nhà sản xuất cần mở rộng, nâng cao năng suất của mình. Việt Nam cũng có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới cùng hợp tác...", Phó GS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.
Trong khi đó, GS.TS khoa học Nguyễn Thu Vân - Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin sử dụng cho người cho hay, hầu hết các loại vắc xin đã được chuyển giao công nghệ ở Việt Nam đều theo hai hình thức.
Thứ nhất, là hình thức một phần, có nghĩa là cử cán bộ đến nơi sản xuất để được đào tạo, rồi sau đó tự nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước. Thứ hai, là toàn phần, tức là nhà sản xuất giúp Việt Nam từ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, đến lắp đặt vận hành dây chuyền sản xuất… Dù theo hình thức nào thì năng lực tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ của đội ngũ cán bộ trong nước đều đáp ứng tốt. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí đầu tư công nghệ ban đầu.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia y tế đánh giá, việc doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ vắc xin như Tập đoàn Vingroup có thể coi là một điểm sáng trong định hướng chính sách của Việt Nam và cũng minh chứng về năng lực của Việt Nam trong việc thuyết phục đối tác nước ngoài. Từ đó, góp phần sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đem lợi nhuận cho doanh nghiệp nói riêng, giúp Việt Nam định hình mắt xích quan trọng trong chuỗi vắc xin, tự cung cấp, bán ra ngoài.
Ngoài việc thành lập Công ty sản xuất vắc xin thì Tập đoàn Vingroup còn “chơi lớn” khi tài trợ rất nhiều cho hoạt động phòng chống dịch thông qua việc sản xuất và tài trợ máy thở, tài trợ nghiên cứu vắc xin, tài trợ các chuyến bay nhân đạo…
Cụ thể, Vingroup triển khai sản xuất máy thở các loại (xâm nhập, không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Trong tháng 8/2020, Vingroup đã tặng 3.000 máy thở Vsmart VFS - 410 và 200 máy thở xâm nhập VFS - 510 cho Bộ Y tế.
Đầu năm 2021, Vingroup tài trợ 20 tỷ đồng cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC, thuộc Bộ Y tế) để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac phòng COVID-19. Tập đoàn cũng được cho là tài trợ hàng trăm triệu USD cho quá trình nghiên cứu và thử nghiệm Nanocovax - vắc xin nội địa đang được đề nghị cấp phép khẩn.