Mở đầu phiên giao dịch lúc 20h30 ngày 15/8 theo giờ Việt Nam, cổ phiếu VFS của VinFast có giá 22 USD/cổ phiếu. Sau khoảng 15 phút giao dịch đầu tiên, giá VFS lùi về quanh ngưỡng 17 USD/cổ phiếu.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch trên Nasdaq, cổ phiếu VFS tăng hơn 68% vượt mức 37 USD/cổ phiếu.
Nhờ đó, thống kê của Bloomberg cho thấy, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 39 tỷ USD.
Theo Bloomberg, tính đến sáng 16/8, giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đạt mức 44,3 tỷ USD. Đây là mức tài sản ròng lớn nhất từ trước tới nay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Forbes |
Dù vậy, theo cập nhật trên Bloomberg Billionaires Index tính đến 10h sáng 16/8 (giờ Việt Nam), tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang ở mức 5,71 tỷ USD, tăng 1,57 tỷ USD từ đầu năm 2023 và là người giàu thứ 451 trên thế giới.
Trong khi đó, theo cập nhật trên tạp chí Forbes, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện có giá trị ước tính 5,9 tỷ USD, được xếp hạng là người giàu thứ 458 trên thế giới.
Theo danh sách của Bloomberg Billionaires Index, chiếu theo mức giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mà Bloomberg báo cáo, ông Vượng cũng là tỷ phú duy nhất đến từ khu vực Đông Nam Á có mặt trong danh sách này, đồng thời cũng là một trong 5 cái tên duy nhất đến từ khu vực châu Á, bên cạnh Mukesh Ambani (Ấn Độ - 97,3 tỷ USD), Zhong Shanshan (Trung Quốc – 62,4 tỷ USD), Gautam Adani (Ấn Độ - 62,3 tỷ USD) và Zhang Yiming (Trung Quốc – 42,3 tỷ USD).
Trước đó, thời điểm VinFast chưa chính thức niêm yết tại Mỹ, Bloomberg ước tính giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm 11 tỷ USD, lên mốc 16 tỷ USD nếu thương vụ IPO của VinFast diễn ra theo đúng kế hoạch.