Theo quy định, các nhà mạng thực hiện khuyến mại giảm giá với một nhãn hiệu dịch vụ viễn thông, nhãn hiệu hàng hóa viễn thông chuyên dùng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông không được vượt quá 90 ngày trong một năm. Một chương trình khuyến mại không được quá 45 ngày. Và tính đến hết tháng 10/2016, các nhà mạng đã sử dụng hết số ngày theo quy định.
Tuy nhiên, theo Cục Viễn Thông, sau ngày 1/11/2016, qua theo dõi, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục không đăng ký chương trình khuyến mại cho khách hàng thường xuyên trong 2 ngày 14 và 15/11; áp dụng chương trình khuyến mại cho khách hàng thường xuyên không đúng đối tượng; không đăng ký gói cước Toms 690 với Bộ TT&TT; không đăng ký khuyến mại, giảm giá 50% thẻ nạp cho khách hàng sử dụng gói cước Toms; khuyến mại giảm giá cho 1 chương trình quá 45 ngày; thời gian khuyến mại trong năm quá 90 ngày... Do vậy, nhà mạng Viettel đã bị Cục Viễn thông xử phạt thêm gần 300 triệu đồng.
Viettel tiếp tục vi phạm các quy định về khuyến mại và giá cước sau thời điểm 1/11, đã bị Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt gần 300 triệu đồng. |
Trước đó, Viettel và 4 nhà mạng GTel, Vietnamobile, MobiFone,và VinaPhone đã nhận quyết định xử phạt từ Cục Viễn thông do để xảy ra nhiều sai phạm về giá cước và khuyến mại trước ngày 1/11/2016. Cụ thể, 5 nhà mạng đã vi phạm các quy định tại điểm a, c khoản 2; điểm a khoản 3 Điều 49 và các điểm a khoản 1; điểm a,b,h khoản 4 Điều 50 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, CNTT, tần số vô tuyến điện.
Giữa tháng 5/2016, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra quyết định xử phạt Viettel vi phạm hành chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với tổng số tiền lên đến 171 triệu đồng.
Cụ thể, 4 hành vi mà Viettel vi phạm, bị phạt:
- 8 triệu đồng vì hành vi cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk) không đúng quy định hiện hành;
- 8 triệu đồng vì hành vi cung cấp nhiều kênh truyền hình trả tiền tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk) không đúng quy định hiện hành;
- 15 triệu đồng vì hành vi cung cấp không đúng danh mục chương trình phim theo giấy chứng nhận được cấp. Riêng
- 140 triệu đồng với hành vi cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền di động (MobiTV) không có giấy phép, quy định tại Khoản 6, Điều 16 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.