Theo thông tin đăng tải trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, chị H.T.H. (quận Liên Chiểu) cho biết, Công ty Cổ phần tài chính VietNam Capital lấy danh nghĩa là ngân hàng, đã tư vấn và nhận 100 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm của chị từ tháng 4/2023, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 10,5%/năm.
Sau khi gửi, công ty này đã viết phiếu thu và cấp "Giấy chứng nhận tiết kiệm" có đóng dấu đỏ do ông Trương Quốc Thái, Giám đốc Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital ký nhận.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, chị H đến chi nhánh công ty tại 155 Điện Biên Phủ để rút tiền đúng thời hạn thì văn phòng đóng cửa, gọi điện không liên lạc được.
“Tôi đã tới tất cả 5 chi nhánh văn phòng giao dịch tại TP Đà Nẵng nhưng đều đóng cửa. Đây là số tiền tôi dành dụm để lo cho các con ăn học, nhưng đến hạn rồi mà vẫn không liên lạc được phía công ty để rút tiền. Lúc gửi thì họ tư vấn, giấy tờ rất đàng hoàng nên tôi mới tin tưởng nhưng không ngờ lại như vậy”, chị H. lo lắng.
Giấy chứng nhận tiết kiệm người gửi tiền được công ty cung cấp (Ảnh: VTC News) |
Không chỉ có chị H., VTC News ghi nhận phản ánh của các nạn nhân Nguyễn Hữu T., Nguyễn Thị N., Trần Văn T., Lê Thế C., Ngô Thị H., Bùi Thị T., Nguyễn Thị M. (cùng trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), rằng Công ty VietNam Capital đã vận động, mời gọi họ gửi tiết kiệm với lãi suất cao. Tuy nhiên, đến khi đáo hạn, những người này đến trụ sở chi nhánh Công ty Cổ phần tài chính VietNam Capital nói trên để rút gốc và lãi nhưng không được.
Ông Lê Thế C. (công nhân công ty cây xanh) cho biết, ông gửi 255 triệu đồng vào công ty này nhưng đến nay không rút được.
“Đây là số tiền vợ chồng tích góp hơn 10 năm qua, bây giờ đối diện nguy cơ trắng tay. Được giới thiệu lãi suất 13%/6 tháng, số tiền 255 triệu đồng thì rút tiền lãi mỗi tháng được 2,7 triệu đồng, cao hơn gửi bên ngân hàng nên tôi mới gửi mong kiếm thêm chút ít lo cho con cái. Sau khi gửi, tôi được giao Giấy chứng nhận tiết kiệm, có chữ ký, đóng dấu của giám đốc nên rất tin tưởng. Bây giờ đến khi rút tiền gốc thì mới biết mình bị lừa. Tôi nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho cả chủ tịch lẫn giám đốc công ty nhưng không ai nghe máy”, ông C. trình bày.
Theo đó, những người phản ánh đều được VietNam Capital viết phiếu thu và cấp sổ ghi "Giấy chứng nhận tiết kiệm". Giấy chứng nhận có số hiệu riêng biệt. Lãi suất từ 9,5% đến 12,5%/năm cùng thời gian đáo hạn. Sổ do ông Trương Quốc Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần tài chính VietNam Capita ký tên đóng dấu.
Cụ thể, có hơn 40 khách hàng của VietNam Capital được cấp hàng trăm Giấy chứng nhận tiết kiệm đến hạn nhưng vẫn chưa được chi trả. Số tiền gửi tiết kiệm ít nhất vài trăm triệu. Nhiều trường hợp gửi gần 10 sổ tiết kiệm với số tiền gửi từ 2-5 tỉ đồng.
Thậm chí có trường hợp từng là người làm cho gia đình ông Trương Quốc Thái. Bà L.T.T.T (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho hay mình từng là giúp việc theo giờ tại nhà cho ông Thái.
Đáng lưu ý, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho hay Công ty Cổ phần tài chính VietNam Capital không nằm trong danh sách được cấp phép huy động tiền gửi theo quy định của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Luật sư Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho hay, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định rõ chỉ có ngân hàng mới được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân. Còn các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (bao gồm công ty tài chính) chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức, không được phép thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân. Do đó, việc Công ty VietNam Capital nhận tiền gửi của người dân vốn đã không đúng với quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo Luật sư Hiếu, hành vi của Công ty VietNam Capital có nhiều dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Được biết, hiện Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng thụ lý đơn tố cáo của người dân. Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng đã mời các nguyên đơn lên làm việc, thu thập thông tin để điều tra.