Mới nhất, bên lề Triển lãm Hàng không Singapore hôm qua (11/2), VietjetAir, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đã ký hợp đồng mua và thuê 100 máy bay của Tập đoàn Airbus trị giá 9,1 tỷ USD, trong đó mua 56 máy bay A320 và 7 máy bay A321.
Lễ ký kết hợp đồng đơn hàng 100 máy bay giữa VietjetAir và Airbus. |
VietJetAir tiết lộ, đây là hợp đồng mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus, bao gồm 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác. Giá trị Hợp đồng cho 63 chiếc máy bay là 6,4 tỷ Đô la Mỹ và tổng giá trị Hợp đồng cho 100 chiếc tàu bay là 9,1 tỷ Đô la Mỹ.
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc của VietjetAir, cho biết với mục tiêu đem lại sự lựa chọn và dịch vụ tốt hơn, VietjetAir đã ký hợp đồng với Airbus, những máy bay đầu tiên sẽ được giao trong năm 2014 và hợp đồng sẽ kéo dài trong nhiều năm. “Trong hợp đồng này, chúng tôi có những máy bay của thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu với công nghệ hiện đại nhất của Airbus", ông Phương nói.
Ông Patrick Santone, quan chức cấp cao của tập đoàn Airbus, cũng xác nhận VietjetAir đã lựa chọn loại máy bay hiệu quả nhất để phục vụ kế hoạch phát triển mạnh của mình.
VietjetAir lấy tiền khủng đâu... tậu cả đống máy bay mới? |
Trong một diễn biến tương đồng, giữa tháng 12/2013, hãng hàng không giá rẻ VietjetAir cho hay, hãng này vừa hoàn tất thủ tục ký hợp đồng mua động cơ với liên doanh GE (General Electric) & Snecma của Mỹ để cung cấp cho các máy bay A320/321 NEO của hãng.
Hợp đồng mua động cơ máy bay bao gồm các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng trị giá vào khoảng 800 triệu USD. Đây là loại động cơ phản lực có ưu thế về hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, sẽ được trang bị cho những chiếc máy bay đầu tiên trong thỏa thuận mua và thuê 100 chiếc máy bay của VietJet Air trị giá 9,1 tỷ trên.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, VietjetAir đang sở hữu 8 chiếc máy bay Airbus 320. Với thương vụ vừa ký kết trên, hãng hàng không này vươn lên trở thành hãng hàng không có số lượng máy bay lớn nhất Việt Nam. Và có lẽ chính vì thế, dư luận đang đặt câu hỏi: hãng hàng không non trẻ này lấy tiền tấn ở đâu mà nhiều thế?!
Trả lời báo giới với về vấn đề này, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJetAir từng cho biết: VietJetAir thỏa thuận với Airbus là nhận máy bay theo từng quý, từng năm, tiến độ thanh toán rải đều trong 9 năm, chứ không phải cùng một lúc. Về nguồn tài chính, VietJetAir đã chuẩn bị kỹ càng tất cả các phương án trước khi đặt bút ký thỏa thuận. Số tiền vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% trong gói tài trợ mua máy bay; còn lại phần lớn là từ nguồn tài trợ tín dụng xuất khẩu của các nước. Ngoài ra, còn có các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, hoặc hình thức khác như bán và thuê lại và có thể từ nguồn khác, cũng đang xem xét là từ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Trong tổng số nguồn tài chính này khoản vay lớn nhất là vay hỗ trợ xuất khẩu (export credit).
Châu Âu muốn phát triển nhà máy sản xuất máy bay Airbus thì chính phủ Pháp và châu Âu phải có biện pháp hỗ trợ tín dụng cho người mua máy bay. VietJetAir cũng nhận được hỗ trợ từ khoản vay này…. "Chỉ khi có những hỗ trợ tích cực này và sự chuẩn bị rõ ràng về tài chính chúng tôi mới đặt bút ký", ông Khánh khẳng định.