Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ là tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay.
Để hiểu hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) xung quanh nội dung thỏa thuận này.
Lễ ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc. |
- Ông có thể cho biết nội dung bản thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 về hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc vừa được ký kết ngày 19/6?
- Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần. Lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.
Theo đó, chúng ta và phía Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng nhau thăm dò và cùng nhau khai thác khi phát hiện có dầu khí.
Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên vịnh Bắc Bộ của hai nước lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.
Ông Đỗ Văn Hậu. |
- Liệu có vấn đề gì nhạy cảm trong thỏa thuận này không, thưa ông?
- Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong vịnh Bắc Bộ, là nơi mà mọi người đều biết, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí.
Sơ đồ xác định thỏa thuận thăm dò chung Việt Nam-Trung Quốc tại vịnh Bắc Bộ. |
- Vậy thỏa thuận này có gì khác so với những thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và một số quốc gia khác?
- Thỏa thuận này có khác. Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển.
Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.
- Ông có thể cho biết ý nghĩa của thỏa thuận lần này là gì?
- Ý nghĩa quan trọng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa PVN và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai Nhà nước nói chung.
Thực ra, trong nhiều năm qua, hai công ty đã có sự hợp tác với nhau. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia, hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó, không tôn trọng chủ quyền của nhau, thì chúng tôi sẽ phản đối.
TIN LIÊN QUAN: