“Việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế như được nêu trong công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, theo đó khai thác tài nguyên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, tôn trọng quy định của các quốc gia về bảo vệ sinh thái biển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của Zing.vn trong họp báo ngày 23/5.
Bà Hằng cho biết thêm các quốc gia cũng cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về môi trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Báo cáo ngày 20/5 của các chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu khét tiếng phá hoại môi trường của tàu cá Trung Quốc đã gia tăng hoạt động tại Biển Đông, cụ thể là vùng biển quanh Đá Bông Bay, và đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đang bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Các đội tàu này thường gồm nhiều tàu nhỏ đi cùng với nhóm các "tàu mẹ" có tải trọng lớn. Ảnh chụp vệ tinh từ cuối năm 2018 cho thấy họ hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Mô hình đánh bắt của các đội tàu phá hủy diện tích lớn rạn san hô trong vùng biển để khai thác giống nghêu khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Những giống nghêu này có thể phát triển dài hơn 1 m, nặng hơn 200 kg và sống hơn 100 năm tuổi. Vỏ nghêu được đưa về tỉnh Hải Nam, có thể được bán với giá hàng nghìn USD mỗi cái để chế tác đồ trang sức hoặc tác phẩm điêu khắc.