Hoàng Tư Lâm vốn là một giáo viên mỹ thuật cấp trung học tại Nam Ninh, Trung Quốc. Cô gái sinh năm 1987 này hiện còn sở hữu một studio riêng chuyên về “cải tạo búp bê” và trở thành nhà thiết kế búp bê tự do. 5 năm vừa qua, cô đã giúp thay đổi diện mạo cho hàng trăm búp bê. Giá “trang điểm” cho mỗi sản phẩm dao động từ 1.000 – 2.000 NDT (3,4 – 6,8 triệu đồng). Trung bình mỗi tháng, Hoàng Tư Lâm có thể dễ dàng đút túi hàng vạn NDT, tương đương hàng chục triệu đồng.
“Cải tạo búp bê” – nghề lạ đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng cho Hoàng Tư Lâm. |
5 năm trước, Hoàng Tư Lâm tình cờ đuợc tiếp xúc với một sản phẩm đặc biệt của Mỹ – búp bê Blythe. Cô búp bê này có kích cỡ chân tay khá nhỏ so với phần đầu và mắt. Sau gáy có gắn móc kéo đặc biệt, giúp búp bê nhắm mở mắt theo ý muốn. Nhiều người chơi sáng tạo đã trang điểm cho búp bê Blythe, đưa chúng đi du lịch, chụp ảnh. Nghề “cải tạo búp bê Blythe” ra đời từ đó.
Những người “cải tạo búp bê” đầu tiên ở Trung Quốc đều từ nước ngoài về. Hoàng Tư Lâm cho biết, mới đầu cô “vào nghề” chỉ vì muốn hoàn thành giấc mơ thời thơ ấu, nhưng sau đó cô nhận ra búp bê của mình sẽ trở thành độc nhất vô nhị. Vì vậy, Hoàng Tư Lâm đã tự học các kỹ thuật trên mạng và dần trở thành một chuyên gia.
“Cô giáo mỹ thuật” Hoàng Tư Lâm đang tỉ mỉ chăm chút cho sản phẩm. |
Năm 2012, Hoàng Tư Lâm dùng tiền lương giáo viên trong một tháng để mua về cô búp bê Blythe đầu tiên. Thành quả sau khi “cải tạo” được cô đăng lên mạng và nhận được vô số lượt like. Cô tự xây dựng studio tại nhà để dễ dàng thực hiện các công đoạn điêu khắc, đánh bóng, trang điểm và định hình búp bê. Theo thời gian, kỹ thuật của Hoàng Tư Lâm ngày càng điêu luyện, lượng khách hàng tìm đến cô ngày càng nhiều. 2 năm trước, mỗi tháng cô chỉ nhận làm từ 8 - 10 con búp bê với điều kiện đặt hàng trước. Tháng 3 năm 2017, studio của cô đã kín đơn hàng đến tận cuối năm.
Tháng 3 năm 2017, studio của cô đã kín đơn hàng đến tận cuối năm. |
Không chỉ mang lại thu nhập cao, nghề trang điểm cho búp bê còn giúp Hoàng Tư Lâm thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật. Cô cảm thấy rất tự hào khi khách hàng chấp nhận bỏ tiền để mua đơn hàng và phản hồi rất tích cực. Hiện giờ, ước mơ của Hoàng Tư Lâm là có thể tự mình tạo ra một cô búp bê, từ thiết kế đến chế tác thay vì chỉ “cải tạo” trên búp bê có sẵn như bây giờ.