Trong clip, một người đàn ông đang tìm cách tiếp cận một con rắn hổ mang chúa khổng lồ. Khi bị vây bắt, con rắn nâng cao đầu, liên tục há miệng để đe dọa người đàn ông.
Tuy nhiên, thay vì sợ hãi, người đàn ông lại dũng cảm đi tới dùng một tay tóm lấy đuôi con rắn độc. Người này sau đó dùng tay còn lại từ từ ấn đầu con rắn hổ mang chúa xuống đất để tóm gọn. Không ngờ, con rắn sau đó lại ngốc đầu lên khiến người đàn ông phải nhảy lùi lại phía sau. Kết thúc clip, người đàn ông này dùng hai tay nâng con rắn lên cao khiến người xem không khỏi rùng mình.
The Livescience, rắn hổ mang to lớn, nhiều con dài đến hơn 7m. Chúng nổi bật với chiếc mũ trùm đầu, con ngươi tròn, vảy mịn và tư thế vươn cao, nhìn thẳng vào mắt người. Khi đối đầu, chúng nâng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất. Tiếng rít cảnh báo của chúng gần giống tiếng gầm gừ của loài chó.
Những con rắn hổ mang có răng nanh dài, sắc nhọn. Chúng tiêm nọc độc vào kẻ thù qua răng nanh này. Chúng có khứu giác và tầm nhìn ban đêm tốt. Loài vật này thường sống ở các khu rừng mưa và đồng bằng miền khí hậu nhiệt đới. Ngoài ra, rắn hổ mang được tìm thấy ở các thảo nguyên, đồng cỏ, bụi tre, bờ sông, suối…
Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin gồm các độc tố thần kinh, cytotoxin và một vài hợp chất khác. Những chất này có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào. Rắn hổ mang chúa có khả năng tiêm một lượng lớn nọc độc với liều khoảng 200 đến 500mg vào nạn nhân trong một vết cắn. Nọc độc của rắn hổ mang chúa sẽ khiến con mồi giảm thị lực nhanh chóng, gây tê liệt, sau đó là suy hô hấp và tim ngừng đập và tử vong.
Theo Đại học Michigan (Mỹ), người bị rắn hổ mang cắn có thể ngừng thở chỉ sau 30 phút. Chất độc thần kinh của chúng có thể giết chết một con voi.
Mặc dù rắn hổ mang có khả năng phun chất độc thần kinh nguy hiểm, chúng thường không chủ động tấn công con người. Ngược lại, loài vật này bị con người tấn công, truy bắt và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.