Tôi ngồi uống trà cùng đại tá cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Chuyển (hiện sống ở Đà Nẵng) trước cửa Nhà khách Sư đoàn 2 Quân khu V. Nhìn ra khoảng không chói lòa nắng, gương mặt ông chợt trầm tư: “Cái nắng chát chúa này khiến mình nhớ nắng đất Lào. Nhớ nắng thì lại nhớ một câu chuyện được tái hiện thật bất ngờ sau đúng 40 năm…”.
Cuộc chạm súng bất ngờ…
Ðó là ngày 11. 6. 1971 – ông Chuyển đi thẳng vào chuyện khi nhìn thấy vẻ hào hứng trên gương mặt người nghe…
Đại tá Nguyễn Đức Chuyển và ông Xaraphot Ratdara vị tướng Thái Lan (phải) trong cuộc gặp gỡ bất ngờ tại chùa That Luông, Lào. Ảnh: T.L |
Tôi lúc đó là Ðại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Quân khu V. Bấy giờ, sau chiến dịch Ðường 9 – Nam Lào, đơn vị tôi tiếp tục phối hợp với một số đơn vị bạn và Quân giải phóng Lào giải phóng cao nguyên Bolovel. Gần một tháng trời, dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ, quân ngụy Lào và một số tiểu đoàn đặc biệt Thái Lan liên tục phản kích hòng giành lại các vị trí chiến lược đã mất. Cuộc chiến giằng co ác liệt… Chiều 11, tại khu vực bản Y Tu của nước bạn, quân Thái lại tràn lên phản kích. Nhưng rồi cũng như mọi lần, chúng lại phải tháo lui…
Vị tướng Thái Lan lâm nạn và được bộ đội Việt Nam cứu mạng. Từ đó, tấm ân tình về những ngày tháng gian khổ đó vẫn luôn được tướng Thái Lan khắc cốt ghi tâm. |
Ðang trên đường truy kích, chợt thấy một bóng lính Thái chạy tạt ngang, tôi nóng mặt lia luôn một loạt AK. Tưởng đã chết, tới nơi hóa ra hắn ta chỉ bị thương vào đùi. Như một phản xạ, tôi ngồi xuống lấy bông băng cá nhân ra.
Ðôi mắt hắn ta nhìn tôi ngỡ ngàng trước cử chỉ tưởng chừng không thể tin được ấy. Rồi lập cập, hắn ta thò tay vào túi lôi ra một chiếc đồng hồ và ít tiền ấn vào tay tôi. Tôi mỉm cười gạt đi. Khẽ gật đầu ra dấu “hiểu rồi”, hắn ta chỉ tay vào chiếc bi đông nước tôi đang đeo bên sườn. Nước uống - giữa những ngày nắng tuôn như vốc lửa này, với chúng tôi nó là một thứ gắn liền với sinh mạng. Còn chừng nửa bi đông nhưng dù đang khát cháy cổ, tôi vẫn cố để dành… Tháo bi đông, tôi cẩn thận rót một nắp đầy đưa cho hắn. Liếm cặp môi khô héo, hắn ta ực ngay một hơi. Ðã toan quay đi, hắn ta lại “ớ” lên một tiếng, tay tiếp tục chỉ lia lịa vào chiếc bi đông. Ngần ngừ một thoáng, tôi đưa luôn cả chiếc bi đông cho hắn…
Nhìn quanh, bấy giờ anh em đã tiến xa về phía trước… “Ðang bị thương lại đói khát, một mình giữa chốn quạnh vắng này thì hắn ta chết mất” - nghĩ vậy tôi quyết định cõng hắn đến bìa rẫy cà phê gần bản. Có thể lính Thái quay lại hoặc dân trong bản ai đó trở về sẽ nhìn thấy hắn ta…
Hành trình đi tìm ân nhân
Quá sửng sốt nhưng ông ta vẫn cố kìm nén để tuôn rất nhiều câu hỏi: Ngày giờ, vị trí rồi diễn biến sự việc… Và khi nghe trả lời xong, ông ta ào tới nhấc bỗng ông Chuyển lên rồi hét vang đến chói tai: “Trời ơi, tôi đã tìm được người cứu mạng mình đây rồi!”...
Ngày 24. 6. 2011, Hội Cựu chiến binh Trung ương Lào mời các cựu chiến binh từng giúp Lào, đang sống ở Ðà Nẵng, sang thăm chiến trường xưa. Trở lại miền đất nơi bao đồng đội thân yêu đã ngã xuống, lớp lớp những kỷ niệm vui buồn một thời trận mạc cứ trào dâng trong lòng ông Chuyển…
Ðang chìm đắm vào những dòng hồi ức tâm linh, bỗng nghe ai đó hỏi bằng tiếng Lào: “Trong số các ngài đây, có ai từng tham dự trận đánh ngày 11.6.1971 ở khu vực bản Y Tu, cao nguyên Bolovel ?” Ngẩng vội lên, trước mắt ông Chuyển là một người đàn ông mập mạp, đầu đội mũ lưỡi trai, ăn mặc như một khách du lịch. Chưa hiểu ông ta hỏi với mục đích gì nhưng ông Chuyển vẫn đáp: “Có, tôi là một trong những người từng tham chiến ở đó” – “Vậy ngài có biết, ai là người đã từng cứu mạng một lính Thái trong trận đó không?”.
Như có một luồng điện chạm vào, dòng ký ức năm nào bấy giờ bỗng lóe lên trong người cựu binh như một tia chớp. “Người đó chính là tôi đây…” – ông Chuyển trả lời, lòng đầy hồi hộp. Quá sửng sốt nhưng ông ta vẫn cố kìm nén để tuôn rất nhiều câu hỏi: Ngày giờ, vị trí rồi diễn biến sự việc… Và khi nghe trả lời xong, ông ta ào tới nhấc bổng ông Chuyển lên rồi hét vang đến chói tai: “Trời ơi, tôi đã tìm được người cứu mạng mình đây rồi!”.
Xaraphot Ratdara – người lính Thái năm xưa ấy – bây giờ là Thiếu tướng, chỉ huy Trung tâm Liên kết các quốc gia láng giềng Quân đội Hoàng gia Thái Lan… Kéo ông Chuyển ra một góc vắng bên chùa, Xaraphot Ratdara kể cho ông Chuyển nghe hành trình đi tìm ân nhân của mình. Chiều tối hôm đó sau khi bộ đội Việt Nam rút, quân Thái trở lại trận địa và đã tìm thấy Xaraphot. “Bắt đầu từ hôm đó cứ gặp người Việt nào ở Thái Lan là tôi lại hỏi dò. Tên tuổi không có, quê quán không hay, biết tìm ngài còn khó hơn mò kim đáy biển tôi vẫn không nản” – Xaraphot kể với ông Chuyển.
Cuộc gặp bất ngờ ấy mang lại nhiều niềm vui cho cả Xaraphot và ông Chuyển. Rồi Xaraphot đến gặp anh em trong đoàn và ngỏ lời mời tất cả sang du lịch Thái Lan một chuyến. Toàn bộ chi phí sẽ do ông đài thọ, gọi là chút trả nghĩa cho thỏa lòng… Ông Chuyển trả lời là việc này chúng tôi không quyết định được. Xaraphot sốt sắng: Tôi sẽ đến gặp Ðại sứ xin phép cho các ngài. Với câu chuyện hiếm có này, tôi tin Ðại sứ sẽ đồng ý cho các ngài thôi…
Và chiều hôm sau Xaraphot đến Ðại sứ quán Việt Nam ở Lào kể lại câu chuyện và xin phép cho đoàn cựu binh của ông Chuyển. “Tuy nhiên theo lịch trình, trưa hôm đó đoàn chúng tôi đã phải về nước và Ðại sứ quán ta cũng không biết tôi là ai, đang ở đâu… Chưa “trả nghĩa” được cho ân nhân, từ bấy đến nay Xaraphot cứ gọi điện nhắc hoài lời mời. Ngại mình sức yếu và nói thật là cũng ngại cả sự ơn nghĩa ấy, tôi chưa nhận lời…” – ông Chuyển cho hay.
…Tiếng kẻng báo giờ lanh lảnh vang lên trong tĩnh lặng. Người cựu binh già bắt tay tôi chào tạm biệt và vội vã trở vào phòng khoác lên người bộ quân phục đeo chật kín những huân huy chương để ra giao lưu với chiến sĩ trẻ.