Việc anh em họ kết hôn với nhau để sinh ra những con người thông minh như Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải thì đó là điều đáng lạ.
Chuyện các vua nhà Trần cưới chị em họ đã được lịch sử ghi lại rõ nét. Năm 1237, vua Trần Thái Tông, c cưới người em họ Thuận Thiên công chúa Lý Oanh. Trần Thừa (cha của Trần Cảnh) và Trần Thị Dung (mẹ của Lý Oanh) chính là anh em ruột. Sau 3 năm làm hoàng hậu của Trần Thái Tông thì Lý Oanh sinh ra Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông.
Cảnh phim hoàng hậu Trần Thị Dung đồng ý cho 2 con gái kết hôn với 2 người anh họ. |
Kết quả mối tình của hai người anh em họ này là Trần Thánh Tông, một minh quân nước Việt, người sau này lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3. Sách An Nam chí lược (do quan Nguyên gốc Việt là Lê Tắc soạn năm 1307) có mô tả ngoại hình của ông: "dáng người hòa nhã khôi ngô có nhã lượng". Còn quyển Thánh đăng ngữ lực (một tác phẩm khuyết danh về sự nghiệp tu Phật của 5 vua đầu thời Trần, được viết vào khoảng thế kỷ XIV) diễn tả về ông rằng "Thánh Tông bản chất hiền tài, toát ra ngoài sáng ngời, xử sự dứt khoát", không chỉ làu thông kinh sử Nho gia mà còn hiểu sâu giáo pháp nhà Phật.
Không chỉ vậy, Trần Thái Tông và hoàng hậu Lý Oanh còn sinh ra Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, một danh tướng văn võ song toàn, làm quan đứng đầu 3 triều nhà Trần. Việc anh họ kết hôn với nhau để sinh ra những con người thông minh như Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải thì đó là điều đáng lạ.
Chưa hết, năm 1258, Trần Thánh Tông lên ngôi đã lập chị họ Trần Thiều làm hoàng hậu. Trần Thiều chính là con gái của An Sinh vương Trần Liễu mà Trần Liễu là anh ruột của Trần Thái Tông. Năm 1257, hoàng hậu Trần Thiều sinh cho Trần Thánh Tông hoàng nam là Trần Khâm, tức vị minh quân Trần Nhân Tông sau này, người cùng vua cha chỉ huy cuộc chiến chống Nguyên Mông lần 2 và 3. Theo Đại việt sử ký toàn thư, Trần Khâm ngay từ khi sinh ra đã được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, nên vua cha và ông nội - thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã gọi ông là Kim Tiên đồng tử. Rồi các chú giải của Trần Quang Chỉ trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho biết Trần Khâm đã đạt được trình độ cao về các lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học. Ông cũng học kỹ về tam giáo Phật-Lão-Nho và am hiểu tường tận giáo pháp nhà Phật. Sách Thánh đăng ngữ lục cũng viết: "Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển".
Năm 1274, Trần Nhân Tông lại lập em họ làm Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu. Cần nhớ, mẹ của Trần Nhân Tông là em gái của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mà Hưng Đạo vương chính là cha của Bảo Thánh phu nhân. Năm 1276, Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu lại sinh cho Trần Nhân Tông hoàng nam Trần Thuyên, tức Trần Anh Tông. Trần Anh Tông cũng là vị minh quân trong sử Việt khi từng cầm quân Bắc tiến vào tận đất nhà Nguyên, Nam chinh bình định Chiêm Thành.
Việc các vua nhà Trần liên tiếp mấy đời kết hôn với chị em họ vốn đã là điều lạ nhưng còn lạ hơn khi các cuộc hôn nhân cận huyết này toàn sinh ra những con người anh minh. Điều này rất khác với những kiến thức khoa học ngày nay chúng ta tiếp cận cho rằng hôn nhân cận huyết sẽ sinh ra những sản phẩm xấu. Như vậy giữa thực tế lịch sử và kiến thức về di truyền học hiện giờ đang có độ vênh ở đâu?
Thực sự thì trên thế giới hiện giờ, nhiều quốc gia công nhận quyền kết hôn giữa anh em họ. Trong số những nước cho phép điều đó thì không chỉ các quốc gia theo đạo Hồi (có truyền thống về việc anh em họ kết hôn) mà hầu hết các nước châu Âu (trừ các nước Balkan).
Việc anh em họ kết hôn có tạo ra nguy hiểm cho hậu duệ không? Có vì họ có chung 12,5% DNA nên tỷ lệ gen lặn xuất hiện ở các thế hệ sau cao hơn, dẫn đến các khả năng gây biến chứng cao hơn so với sản phẩm 2 người xa lạ kết hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ tạo ra biến chứng là bao nhiêu thì không hẳn mọi người đều tường tận.
Theo thống kê hiện giờ, với cặp vợ chồng bình thường thì độ rủi ro cho thai nhi là khoảng 3% còn với cặp vợ chồng là anh em họ thì độ rủi ro nhỉnh hơn một chút dao động khoảng 3,5 - 4,5%. Tỷ lệ rủi ro này tương đương với việc một phụ nữ trên 40 tuổi sinh con và còn thấp hơn tỷ lệ rủi ro từ phụ nữ hút thuốc sinh con. Vì thế chúng ta có thể thấy khi anh em họ sinh con thì xác suất an toàn vẫn khá cao nên việc các vua nhà Trần dù cưới chị em họ nhưng có con thông minh là điều bình thường, phù họp với di truyền học.
Chính vì tỷ lệ rủi ro khá thấp đó, nhiều quốc gia hiện nay vẫn chấp nhận chuyện kết hôn giữa anh em họ là hợp pháp (xem bản đồ nêu trên). Riêng ở nước Mỹ thì việc anh em họ được kết hôn hay không lại tùy vào việc họ ở bang nào. Có những bang cho phép việc kết hôn giữa anh em họ như California, New York hay Miami. Nhưng có những bang cấm chuyện này như Washington, Kansas... Và có những bang rất mềm mại với quy định anh em họ được phép kết hôn nếu ngoài 65 tuổi hay một người bị vô sinh như Arizona, Indiana... để đảm bảo việc kết hôn này không tạo ra sản phẩm có nguy cơ biến chứng. Việc mỗi bang của Mỹ có luật khác nhau về anh em họ kết hôn là sản phẩm của lịch sử nhưng chúng ta có thể nhận thấy những bang mật độ dân cư đông đúc thì cho phép anh em họ kết hôn còn những bang hẻo lánh thì lại cấm điều này.
Lý do là ở các bang đông đúc, nam nữ có cơ hội làm quen với nhau nhiều nên việc anh em họ kết hôn với nhau là hãn hữu. Những mối tình hãn hữu như vậy khó tạo ra các sản phẩm lỗi ở thế hệ sau. Còn với các bang hẻo lánh, nơi mà một dòng họ có thể làm chủ một vùng đất lớn xung quanh vắng người thì nam nữ khác họ ít có điều kiện giao lưu. Khi đó, chuyện anh em họ yêu nhau rồi kết hôn dễ xảy ra và trở thành vòng xoáy nhiều đời. Việc anh em họ kết hôn một đời có thể chưa tạo ra biến chứng cho thế hệ sau nhưng nếu chuyện này lặp đi lặp lại liên tiếp trong nhiều đời thì xác suất rủi ro sẽ tích lũy lên cao dần. Vậy những người anh em họ ở Arizona nếu trót yêu nhau thì có thể di cư sang California hay Miami để việc họ kết hôn của họ được luật pháp công nhận. Khi đó, con cái họ ở môi trường mới sẽ không còn cơ hội bị cuốn vào vòng xoáy yêu chị em họ nữa.
Nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khu vực hẻo lánh, đặc biệt là ở miền núi - nơi tiềm yển nguy cơ hôn nhân cận huyết lặp lại liên tục. Tình trạng hôn nhân cận huyết giữa một dòng tộc trong nhiều đời sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm nòi giống. Do vậy, việc luật hôn nhân ngăn chặn việc anh em họ trong vòng 3 đời (first-cousin) không kết hôn với nhau là cần thiết để bảo vệ giống nòi.
Các vua đầu nhà Trần 3 đời liên tiếp cưới chị em họ và sinh ra những minh quân. Nhưng nếu họ tiếp tục vòng quay đó thì khả năng tạo ra sản phẩm lỗi rất cao. Đời vua Trần Anh Tông đã kết hôn với Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân năm 1292. Trần Anh Tông cũng là em họ của Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân do mẹ của Trần Anh Tông là em gái của Trần Quốc Tảng, cha của Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân. Tuy nhiên, Trần Anh Tông và Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân đã không thể sinh con với nhau, phải chăng đây là lỗi do vòng lặp 4 đời chị em họ kết hôn với nhau? Chính vì thế, Trần Anh Tông phải lập Trần Mạnh (con của thứ phi là Huy Tư hoàng phi) làm vua, tức Trần Minh Tông sau này. Huy Tư hoàng phi cũng mang họ Trần nhưng là họ xa hơn chứ không gần như quan hệ của Trần Anh Tông và Bảo Thánh phu nhân còn Minh Tông cũng được coi là vua giỏi dù không bằng 4 vua Trần thời trước.