Đó là nhận định của ông Frederick Kuo, một nhà phân tích tập trung vào các sự kiện hiện tại và kinh tế trong khuôn khổ xã hội-lịch sử. Các bài viết của ông được đăng tải trên các tạp chí danh tiếng như Quartz, The National Interest, Citymetric, SF Examiner...
Trung Quốc bồi đắp trái phép, xây hải cảng, đường băng sân bay...biến Đá Chữ Thập thành tiền đồn quân sự lớn ở phía nam Biển Đông. Ảnh Victor Robert Lee & DigitalGlobe |
Theo nhà phân tích Frederick Kuo, Biển Đông một thời yên bình đã bị Trung Quốc biến thành một lò lửa xung đột lớn trên thế giới. Với việc bồi đắp trái phép những rạn đá nửa nổi nửa chìm ở Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã ngang nhiên mở rộng thêm “lãnh thổ” đến 3.200 mẫu Anh trên những rạn san hô và bãi đá ngầm mà nước này đã đánh chiếm ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc đã xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự đồ sộ trên các “đảo nhân tạo” mới bồi đắp và làm nghiêng cán cân quyền lực trong khu vực.
Một phân tích về mô hình thương mại và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốccho thấy hai động lực chính làm cơ sở cho chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh: đó là tham vọng thương mại và sự yếu kém tương đối về hải quân của Trung Quốc.
Sau hai thập kỷ công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc đã nổi lên thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch thương amij lên tới 4,3 nghìn tỷ USD trong năm 2015. Trong năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài gần 120 tỷ USD và trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở Châu Phi, với tổng giá trị thương mại song phương lên đến 160 tỷ USD trong năm 2015. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Châu Âu, với khối lượng thương mại hàng năm lến đến gần 580 tỷ USD.
Để củng cố và liên kết đế chế thương mại liên tục mở rộng, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược "Một vành đai, một con đường”, làm sống lại “Con đường tơ lụa” xa xưa. Nếu thành công, dự án "Một vành đai, một con đường” sẽ cơ bản thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu nghiêng về phía Trung Quốc.
Với khoản dự chi vượt 1,3 nghìn tỷ USD, “con đường tơ lụa mới” sẽ kết nối hơn 60 quốc gia khắp Âu-Á và Châu Phi, với dân số khoảng 4,4 tỷ người. Với tham vọng to lớn, Trung Quốc tìm cách phát triển của cơ sở hạ tầng kết nối ba châu lục và liên kết các khu vực mà “Một vành đai, một con đường” đi qua một đế chế thương mại vô song trong lịch sử thế giới.
Dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc bao gồm hai tuyến đường chính. Tuyến thứ nhất là con đường trên đất liền đi qua lục địa Á-Âu rộng lớn nối Trung Quốc với các đối tác thương mại cổ xưa ở Trung Á, Trung Đông và sau đó tới Châu Âu. Các tuyến đường khác là tuyến đường hàng hải, chạy qua Biển Đông và Eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương đến Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đã rót những khoản tiền khổng lồ vào việc bồi đắp và xây dựng trái phép các rạn san hô, bãi đá ngầm mà nước này đã đánh chiếm. Đây là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập các tiền đồn để kiểm soát tuyến đường thương mại qua Biển Đông ngày càng quan trọng đối với nước này.
Nỗi ám ảnh của Trung Quốc với việc xây dựng các tiền đồn kiểm soát Biển Đông được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi bị mất quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng và qua đó lợi ích quốc gia bị các lực lượng hải quân thù địch đe dọa. Khi theo đuổi dự án “con đường tơ lụa mới” đầy tham vọng, Bắc Kinh ráo riết phát triển các cơ sở hạ tầng hải quân để bảo vệ lợi ích thương mại từ Biển Đông đến Djibouti, nơi Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Trong khi đó, việc Trung Quốc tiếp tục phát triển năng lực hải quân ở Biển Đông, nơi có khối lượng thương mại toàn cầu trị giá 5,3 nghìn tỷ USD qua lại mỗi năm, đã khiến cho các bên tranh chấp cảm thấy vô cùng quan ngại.
Để kiểm soát được cửa ngõ quan trọng này, Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các công trình quân sự trên các đảo tự nhiên và nhân tạo ở Biển Đông. Qua đó, Trung Quốc từng bước chiếm được ưu thế chiến lược mà không để xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Rõ ràng, những hành động tăng cường binh lực ở Biển Đông đã làm tổn thương những nỗ lực đề cao hình ảnh "trỗi dậy hòa bình" và đối tác phát triển trong khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc. Bất chấp nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ quân sự với Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thiết lập sự kiểm soát có hiệu quả ở Biển Đông để liên kết hàng hải với đế chế thương mại rộng lớn vượt ra ngoài Ấn Độ Dương.
Chính vì vậy, từ một vùng biển tương đối yên bình, Biển Đông đã bị biến thành một điểm nóng, một lò lửa xung đột ngày càng dễ có nguy cơ bùng phát trong tương lai.