Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình công cộng Australia hôm 1/7, Tổng thống Assad cho biết giao tranh đẫm máu giữa quân chính phủ Syria và một loạt các nhóm phiến quân chính là cuộc chiến tranh chống "chủ nghĩa khủng bố," và chỉ trích các chính phủ phương Tây áp dụng cái gọi là “tiêu chuẩn kép” trong việc tìm mọi cách loại bỏ ông.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh elpais.com |
Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói: "Họ (các chính phủ phương Tây) tấn công chúng tôi về chính trị, trong khi lại cử các quan chức đến thương lượng ngầm với chúng tôi ở dưới gầm bàn, đặc biệt về vấn đề an ninh”.
Về lập trường của một số chính phủ phương Tây, ông Assad nói: "Tất cả (các chính phủ phương Tây) đều làm như vậy. Họ không muốn gây khó khăn cho Mỹ. Trên thực tế, hầu hết các quan chức phương Tây chỉ lặp lại những gì mà Mỹ muốn họ nói. Đây là một thực tế".
Cuộc nội chiến Syria bùng phát sau khi Damascus phản ứng mạnh tay, trấn áp các cuộc biểu tình hòa bình chống chính phủ vào năm 2011, khi các cuộc biểu tình tương tự quét qua Trung Đông.
Trong khi phương Tây ưu tiên chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo như một phần trong nỗ lực chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo, chính phủ của Tổng thống Assad lại coi tất cả các nhóm nổi dậy là những kẻ khủng bố.
Andrew J. Tabler, một chuyên gia về chính sách Syria tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông nói với báo The Christian Science Monitor: "Tổng thống Assad đã cố nói rằng ông ấy đang tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, mặc dù phương Tây và Assad không có chung định nghĩa về khủng bố”.
Tuy nhiên, phía Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực và ra đi là một điều kiện trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Chuyên gia Tabler nói: "Có rất nhiều lý do vì sao Mỹ không giao tiếp với chế độ Assad. Phản ứng mạnh tay của ông ta đã dẫn đến các cuộc nổi dậy". Ngoài ra, chính phủ Assad cũng không đủ mạnh để chiếm lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất trong quá trình nội chiến và điều này có nghĩa là khả năng thương lượng của chính phủ này bị hạn chế.
Trong khi đó, Nga - một đồng minh quan trọng của chính phủ Syria – đã gia tăng ảnh hưởng trên cương vị một nhà môi giới quyền lực. Ngày 30/6, tờ Washington Post đưa tin rằng chính quyền Obama sẽ đề xuất hợp tác với Moscow nhằm tập trung các nỗ lực quân sự của Nga vào việc chống phiến quân IS và Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh Al Qaeda ở Syria. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Nga sẽ gây áp lực buộc chính phủ Syria ngừng ném bom nhóm phiến quân mà Mỹ coi ôn hòa để đổi lấy sự hợp tác của Mỹ về một chiến dịch đánh bom mở rộng chống lại Mặt trận al-Nusra.
Nga vẫn không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào chứa đựng điều kiện về sự ra đi của Tổng thống Assad. Các nguồn tin từ Anh và Nga cho biết Moscow sẽ tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống Assad cho đến khi chắc chắn sự ra đi của ông này không đồng nghĩa với sự sụp đổ của chính phủ hiện nay. Tuy ảnh hưởng của Nga ở Syria là hạn chế, nhưng nó lại có tính biểu tượng khá mạnh mẽ.