Ngày 1/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã có văn bản số 474/QĐ-TCDL về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại “Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch” ban hành kèm theo Quyết định 473/QĐ-TCDL ngày 29/4/2020.
Theo văn bản này, Tổng cục Du lịch đã hủy bỏ điểm e, khoản 2, Điều 4 với nội dung: “Không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch”.
Trước đó, tại Quyết định 473, quy định của Tổng cục Du lịch: "Đối với khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và khách đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch".
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên ngay khi thông tin trên được đăng tải rộng rãi, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản ứng cho rằng quy định trên không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy định này sẽ hạn chế quyền tự do tiếp cận thông tin của công dân, của cán bộ, nhân viên, người lao động trong lĩnh vực này. Đồng thời, sẽ không đảm bảo được an toàn cho người dân khi các thông tin về dịch bệnh có thể bị giấu giếm, không công khai.
“Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác cũng quy định quyền tự do ngôn luận của công dân, quyền tự do tiếp cận thông tin. Pháp luật nghiêm cấm việc che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm” – luật sư Cường nói và cho rằng, việc đưa thông tin sai sự thật và việc che giấu thông tin đều có tác hại với xã hội. Bên cạnh đó, nếu việc che giấu thông tin về dịch bệnh nguy hiểm như dịch COVID-19, tính chất nguy hiểm cho xã hội sẽ cao hơn rất nhiều lần so với việc tung tin giả.
Luật sư Cường cho rằng, việc đưa ra những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân thì phải bằng văn bản luật, do Quốc hội ban hành. Ngoài văn bản luật thì những văn bản dưới luật không được phép hạn chế quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định, đây là nguyên tắc hiến định. Bởi vậy, những văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, chỉ thị… mà trái với Hiến pháp, sẽ bị vô hiệu và bị hủy bỏ,
Ngoài nội dung trên, Tổng cục Du lịch cũng sửa đổi một số nội dung khác như:
Điểm h, khoản 1, Điều 4 (tại Quyết định 473) được sửa đổi bổ sung thành "Lập sổ theo dõi y tế của từng cán bộ , hướng dẫn viên, nhân viên. Thực hiện đo thân nhiệt của toàn bộ cán bộ, hướng dẫn viên khi đến nơi làm việc. Nhân viên có biểu hiện cúm, ho, sốt hoặc từ nơi, khu vực có dịch, nguy cơ cao theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nghỉ không đi làm và theo dõi sức khỏe y tế tại nhà".
Điểm k, khoản 1, Điều 4 được sửa đổi thành: “Bố trí lãnh đạo phụ trách, theo dõi việc phòng, chống dịch COVID-19. Cán bộ hướng dẫn viên, nhân viên không đưa thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng về tình hình dịch COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Lập và công bố đường dây nóng, trao đổi thông tin, hỗ trợ khách.”
Như vậy tại điểm k, khoản 1, điều 4 tại quyết định 473 quy định “Cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch” cũng đã được lược bỏ, bổ sung.
Trao đổi với báo chí về yêu cầu du khách không chia sẻ về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Có sơ suất vì bị yêu cầu ban hành gấp quá”.
>>> Mời độc giả xem video Virus Corona "thổi bay" 7 tỷ USD của du lịch Việt Nam
Nguồn: VTC Now.