Nếu chỉ vài năm trước, vũ khí Triều Tiên còn là chuyện đùa vui, tếu táo, thì năm qua dư luận quốc tế đã bàn luận nhiều hơn về khả năng đe dọa thực sự của vũ khí Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chia sẻ niềm vui với cấp dưới trong lần phóng thử thành công tên lửa Hwasong-15 - Ảnh: REUTERS |
Sự dè chừng với Triều Tiên không hẳn chỉ bắt nguồn từ tần suất tăng vọt các vụ thử tên lửa, hạt nhân hay sự thay đổi vị thế quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Bởi trên thực tế, theo báo Washington Post (Mỹ), dữ liệu thu thập của giới nghiên cứu cho thấy số vụ thử vũ khí năm 2017 của Triều Tiên tương đương năm ngoái, trong khi những đe dọa kiểu "hòn bấc ném đi hòn chì ném lại" giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi.
"Quả bom H thực sự"
Năm 2017, Triều Tiên chỉ có duy nhất một lần thử hạt nhân, trong khi năm ngoái là hai lần. Nhưng vụ thử hạt nhân ngày 3-9 năm nay làm "lu mờ" tất cả những vụ thử trước đó. Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng sức công phá của quả bom hạt nhân này đạt ít nhất 140 kiloton. Một số chuyên gia có uy tín còn nhận định là 250 kiloton.
Nếu ước đoán cao hơn này chính xác, có nghĩa Triều Tiên đã sở hữu quả bom hạt nhân có sức công phá lớn gấp 17 lần so với quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Cũng cần lưu ý những vụ thử hạt nhân lớn nhất trước lần thử năm nay của Triều Tiên chỉ có sức công phá trong khoảng 10-20 kiloton.
Ông David Wright, đồng giám đốc của Chương trình an ninh toàn cầu tại Liên minh các nhà khoa học liên quan (UCS), tin rằng quả bom ngày 3-9 của Triều Tiên là "một quả bom H thực sự".
Từ đó cho thấy Triều Tiên đã không nói dối khi tuyên bố họ đã tạo ra một loại vũ khí nhiệt hạch hai tầng trước vụ thử hạt nhân. Và nếu điều này đúng cũng cho thấy hiện tại Triều Tiên đã làm chủ một công nghệ phức tạp mà Mỹ và Liên Xô (cũ) từng sở hữu trong những năm 1950 sau làn sóng vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Ai cũng có thể hình dung những hậu quả kinh hoàng sẽ tăng lên ra sao nếu loại bom này trút lên một thành phố nào đó? Giới chuyên gia lo ngại hơn khi cho rằng với sức công phá quy mô quá lớn như vậy, trong các tình huống chiến tranh hạt nhân thực sự, hệ thống tên lửa của Triều Tiên cũng sẽ không cần phải quá chính xác nữa.
Còn tiến xa?
Nhiều chuyên gia nhận định trong những năm tới, nếu Triều Tiên tiếp tục duy trì với tiến độ hiện tại và không bị ngáng trở, họ sẽ còn tiến xa hơn nữa. Thậm chí Triều Tiên có thể vươn tới một sự kiện lớn hơn là thử nghiệm tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân, có thể phóng qua Thái Bình Dương.
Chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức tiệc ăn mừng hôm 13-12 ghi công những người góp phần thử thành công tên lửa xuyên lục địa (ICBM) - Ảnh: REUTERS |
Toàn bộ nước Mỹ vào tầm ngắm
Chỉ thử hạt nhân một lần, nhưng trong năm 2017 Triều Tiên tiến hành ít nhất 20 vụ thử tên lửa. Trong tháng 7, các chuyên gia cảnh báo một số tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng có vẻ như là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có nghĩa tầm bắn vượt 3.400 dặm (5.471km).
Những lo ngại này được khẳng định ngày 28-11 khi Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-15. Tên lửa này đã bay 54 phút trong hành trình khoảng 596 dặm với quỹ đạo cao. Tầm bắn của loại này có thể là 8.100 dặm (13.035km), theo đó đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm ngắm.
Cột mốc này rất đáng kể. Năm ngoái tên lửa có tầm bắn xa nhất mà Triều Tiên thử nghiệm mới chỉ khoảng 2.500 dặm (4.023km). Theo ông Wright, loại tên lửa cũ là Musudan. Nhưng sau những lần thử thất bại năm 2015, có vẻ như Triều Tiên đã dừng chương trình tên lửa Musudan để chuyển sang một loại tên lửa khác tốt hơn.
Cùng với việc mở rộng tầm bắn tên lửa, năm 2017 giới quan sát cũng "choáng" với số lượng tên lửa mới mà Triều Tiên đưa vào thử nghiệm. Trên thực tế chương trình tên lửa Triều Tiên đã duy trì trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2017 là một cột mốc lớn về sự "mới".
"Năm nay không có một số lượng kỷ lục các cuộc thử tên lửa chiến lược, nhưng đã chứng kiến một số lượng kỷ lục các tên lửa mới... Trên thực tế, hầu hết các hệ thống tên lửa được thử nghiệm năm nay là những cái chúng tôi chưa từng thấy" - ông Shea Cotton, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm chống phổ biến hạt nhân James Martin, nhận định.
Theo ông Cotton, chỉ trong một năm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã "chào sân" tới 6 loại tên lửa mới. Trong khi đó, cha ông Un - ông Kim Jong Il, chỉ thử 2 loại tên lửa mới trong lúc cầm quyền, còn nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il Sung thì thử 3 loại mới. "Tôi dám chắc là hầu hết các loại tên lửa mới này đã được nghiên cứu phát triển trong vài năm qua" - ông Cotton nói.
Cùng với đó là một bước tiến quan trọng với việc Triều Tiên phát triển thành công công nghệ đưa nhiên liệu rắn vào tên lửa. "Các tên lửa dùng nhiên liệu rắn có thể được phóng nhanh hơn nhiều và từ các bệ phóng di động" - ông Kingston Reif, giám đốc chính sách giải trừ và giảm thiểu vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ, nhận định.
Liên Hiệp Quốc đồng ý trừng phạt mới với Triều Tiên
Ngày 22-12 (giờ Mỹ, tức rạng sáng 23-12 giờ Việt Nam), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết mới thắt chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên nhằm "đáp trả" vụ thử tên lửa đạn đạo trong tháng trước của nước này.
Vị Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi các nước thành viên LHQ đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HĐBA và gấp đôi các nỗ lực đưa năm 2018 trở thành năm bản lề trong việc đạt được hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 22-12, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 2397 thắt chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên, hạn chế xuất khẩu dầu lọc sang nước này cùng với các biện pháp trừng phạt khác.