Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hàng năm là một trong những ngày lễ quan trọng đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều người còn gọi ngày này là tết bánh trôi - bánh chay.
Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh. Các nhà nghiên cứu cho hay Tết Hàn thực của người Việt Nam bắt nguồn từ một điển tích của người Trung Quốc nhưng có những điểm riêng phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt.
Nhiều gia đình người Việt làm bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên trong ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hàng năm. |
Điển tích của người Trung Quốc về Tết Hàn thực lấy bối cảnh vào thời Xuân Thu. Khi ấy, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay ở nước Tề, mai ở nước Sở. Một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi đã theo phò nhà vua và hiến nhiều mưu kế.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Nhà vua ăn xong và hỏi ra mới biết sự thật nên đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong suốt 19 năm, cùng nhau trải qua nhiều "sóng gió" trước khi chạm đến thành công. Sau nhiều nỗ lực, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương và phong thưởng rất hậu cho những người có công phò tá mình nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Khi ấy, Giới Tử Thôi không oán giận gì nhà vua và về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Mãi về sau, Tấn Văn Công nhớ ra và sai người đi tìm Tử Thôi. Tuy nhiên, Tử Thôi nhất quyết từ chối quay về lĩnh thưởng vì không tham phú quý. Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng để Tử Thôi quay về. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng Tử Thôi nhất quyết không quay về nên hai mẹ con chết cháy trong rừng.
Khi biết chuyện, Tấn Văn Công hết sức đau lòng nên đã lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn tưởng niệm Giới Tử Thôi. Từ đó về sau, ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm được coi là ngày Tết Hàn thực.
Mời quý độc giả xem video: Khách nước ngoài trải nghiệm Tết Hàn Thực (nguồn: VTC)
Mặc dù Tết Hàn thực của người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không phải là ngày để tưởng nhớ đến Tử Thôi. Vào ngày này, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng như ngày bình thường.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho hay, khi sang tháng 3, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Để đánh dấu giai đoạn chuyển mình này của vạn vật, vào ngày 3/3 âm lịch, người Việt làm bánh trôi, bánh chay để cúng tế đất trời, tổ tiên.
Hai món bánh này đều được làm từ bột gạo nếp, tượng trưng cho thành quả lao động vất vả mà con cháu dâng lên tổ tiên. Món bánh trôi, bánh chay cũng được xem là những món ăn nguội. Vì vậy, cứ đến ngày mùng 3/3 âm lịch, bánh trôi, bánh chay trở thành món ăn không thể thiếu của nhiều gia đình người Việt.