Vì sao taxi truyền thống thất bại với app gọi xe?

Để cạnh tranh “thời đại” Grab, Uber, nhiều hãng taxi truyền thống đã đầu tư làm app gọi xe.

Việc gọi xe công nghệ của Uber, Grab nhanh chóng nhận được đón nhận khi có mặt tại Việt Nam. Khách hàng cho rằng đặt xe qua ứng dụng tiện lợi, nhanh, giá thành rẻ. Và hàng loạt hãng taxi truyền thống cũng đầu tư làm app gọi xe kết hợp với hệ thống tổng đài sẵn có, nhưng việc đón khách vẫn phụ thuộc tổng đài.
Khách bất ngờ vì app gọi xe hiện đại của taxi truyền thống
Chị Huyền Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết trong một lần trời mưa, không thể gọi được Grab, Uber, chị bắt một chuyến taxi Thành Công. Nói chuyện với tài xế, chị khá bất ngờ khi taxi Thành Công cũng có app gọi xe được xây dựng đã gần một năm.
Chị tìm hiểu trên Google Play thì phát hiện không chỉ có Thành Công mà nhiều hãng như Taxi Group, Mai Linh, Thế Kỷ Mới, Sao Thủ Đô, Vinasun… đều có app gọi xe. Ngay sau đó, chị Huyền Anh tải thử app của Thành Công về dùng cho lần đi sau.
Sau khi dùng thử, chị Huyền Anh lại càng bất ngờ khi thấy ứng dụng gọi xe của hãng taxi này khá hiện đại, không quá khó để sử dụng. Giao diện của app tương đối giống với Uber, Grab, khi cho khách hàng biết được khoảng cách đi và đến, tính phí sơ bộ, vị trí xe taxi, vị trí đón khách, thanh toán bằng thẻ, đánh giá tài xế…
Vi sao taxi truyen thong that bai voi app goi xe?
App gọi xe của một số hãng taxi truyền thống bên cạnh Uber, Grab. Ảnh chụp màn hình. 
Chị Huyền Anh đặt thử xe, chỉ 1 phút sau tài xế đã gọi điện xác nhận và hẹn điểm đón. Và 5 phút sau, xe đã có mặt ở điểm hẹn rất nhanh chóng. Thái độ phục vụ khách hàng cũng rất chuyên nghiệp, làm chị đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Anh Nam Khánh (quận Đống Đa) thì thường xuyên sử dụng xe taxi cho mục đích công việc. Anh sử dụng app gọi xe của Mai Linh và cũng có những phản hồi khá tốt.
“Về giá và khuyến mại thì không thể được như Uber, Grab, nhưng về chất lượng và tính năng thì tôi cho rằng các bên không thua kém gì nhau. Tôi thậm chí còn rất thích cách định vị xe đang đến của Mai Linh”, anh Khánh cho biết thêm.
Tài xế thích nhưng khách dùng rất vắng
Anh Nguyễn Trường, một lái xe của hãng Thế Kỷ Mới, cho biết lượng khách gọi xe qua ứng dụng còn rất hạn chế. Khách vẫn đặt chủ yếu qua tổng đài. Ngoài ra, anh em vẫn bắt khách dọc đường theo cách truyền thống.
“Tôi cũng không biết lý do gì nhưng số lượng người sử dụng app khá thấp. Có thể công ty không có các chương trình quảng bá nên người tiêu dùng không biết đến rộng rãi”, anh Trường cho biết thêm.
Cũng trong tình cảnh trên, anh Hồng Nam, một tài xế của Thành Công taxi, cho biết hàng ngày anh chạy rất nhiều cuốc xe, trong số đó chỉ có 1-2 người đặt qua app. Giới tài xế như anh Nam cảm thấy app rất tiện dụng, khi tài xế có thể trực tiếp gọi xe mà không cần qua tổng đài.
Khi đó, tài xế có thể đến đón khách một cách chính xác. Tài xế cũng có thể gọi trực tiếp, nghe báo điểm đón của khách, hạn chế tối đa việc “lọt” mất khách.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, trong các hãng taxi đang có đầu tư ứng dụng gọi xe thì số lượng người tải về rất hạn chế. Tại Google Play, app của Thế Kỷ Mới chỉ có khoảng 500 lượt tải, của Thành Công và Mai Linh là khoảng 5.000 lượt, của Taxi Group đông đảo hơn hẳn với 10.000 lượt tải về.
Khi được hỏi, chính một số khách hàng của các hãng taxi cũng không biết có app gọi xe để thường xuyên sử dụng.
Anh Dũng ở quận Thủ Đức, TP.HCM, tài xế của Vinasun cho biết hãng này có app gọi xe ngay khi Uber ra mắt thị trường chỉ vài tháng. Tuy nhiên, khách đi taxi truyền thống vẫn chưa thay đổi thói quen sử dụng nên hầu như không gọi qua app mà "mặc định đi taxi là gọi tổng đài".
"Không dễ thay đổi thói quen của khách. Hơn nữa nhiều khách đi taxi truyền thống là người già, người có nhu cầu cần đi gấp nên thấy xe là vẫy đi ngay. Họ nghĩ đến taxi là gọi số tổng đài", anh Dũng nói.
Vì vậy mà tài xế của Vinasun hiện đón khách theo kiểu khách gọi đài, đài sẽ thông qua app định vị tài xế nào đang ở gần khách nhất thì sẽ thông báo. Sau đó sẽ nhắn tin đến khách hàng mã số xe, vị trí, thời gian đón khách. Tiếp đó, tài xế sẽ gọi cho khách để xác nhận.
App gọi xe không phải mấu chốt cạnh tranh
Anh Nam Hòa, một tài xế của hãng Vina Taxi, cho biết ứng dụng kiểu Uber, Grab mới chỉ xuất hiện ở một số hãng lớn, còn những hãng taxi nhỏ vẫn chưa có.
“Chúng tôi vẫn bắt khách qua tổng đài, dọc đường như truyền thống hoặc những khách quen”, anh Nam Hòa tâm sự.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, thừa nhận có một số hãng đã đầu tư làm app gọi xe, còn một số hãng thì chưa. Ông Bình tiết lộ chi phí làm app gọi xe của các hãng rất đa dạng. Có hãng thì mất vài chục triệu, hãng thì mất vài trăm triệu, có hãng mất đến hàng tỷ đồng.
Nhìn chung, các app gọi xe đều hoạt động tốt, hướng đến cạnh tranh được với Uber, Grab. Các hãng taxi sử dụng app gọi xe song song với tổng đài. Một số hãng như Mai Linh đang chuyển dần sang sử dụng app là chủ yếu.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết từ năm 2015 hãng đã đầu tư app gọi xe và quảng bá đến khách hàng.
Tại Vinasun có app, có chức năng kết nối xe với khách hàng và đang phát triển khả năng kết nối với quản lý và điều hành. Từ giữa tháng 6, app của Vinasun còn có chức năng cho khách hàng biết trước giá cước. Cái khó về công nghệ với taxi truyền thống ở đây là kết nối các thiết bị và minh bạch cùng lúc có đồng hồ tính tiền, có tablet hiển thị đường đi, làm thế nào vừa hiển thị đường đi, vừa cho khách hàng biết được giá.
Tuy nhiên, khách đi taxi không phải quan tâm app mà quan tâm đến giá, đến khuyến mãi. Đây mới là điều cốt yếu.
Vị này cho rằng trong khi các hãng taxi công nghệ, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều lúc nào cũng khuyến mãi được, thì doanh nghiệp taxi muốn khuyến mãi phải đăng ký các thủ tục qua cơ quan quản lý theo quy định và còn nhiều ràng buộc khác.
Khi được hỏi, app gọi xe có làm cho tình hình kinh doanh của các hãng taxi truyền thống tốt hơn không, ông Đỗ Quốc Bình cho rằng điều đó rất khó đánh giá, bởi sự cạnh tranh với Uber, Grab đang rất bất bình đẳng.
“Như tôi đã từng trao đổi, taxi truyền thống đang chịu nhiều thiệt thòi khi so sánh lợi thế cạnh tranh với Uber, Grab. Hơn nữa, một ứng dụng làm xong không có nghĩa là có khách hay cạnh tranh được, mà cần rất nhiều yếu tố khác.
Uber, Grab liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại mang tính hủy diệt thị trường như vậy thì chúng tôi vẫn rất nhiều khó khăn”, ông Bình nói thêm.

Tò mò Lexus 3 tỷ đồng chạy taxi ở Phú Thọ

Chiếc xe sang Lexus RX350 màu trắng, có gắn biển của một hãng taxi tại tỉnh lẻ khiến không ít người tò mò, ngạc nhiên.

Từ khi Uber hay Grab đổ bộ vào Việt Nam, chuyện gọi taxi rồi được phục vụ bởi những tài xế tận tình, trên những chiếc xe sang không còn là chuyện quá hiếm gặp.

Uber đã nộp thuế bao nhiêu, được quản lý thế nào?

(Kiến Thức) - Vấn đề thu thuế của Uber tại Việt Nam luôn khiến dư luận tò mò. Nhiều người muốn biết đến nay Uber đã đóng bao nhiêu thuế và chịu sự quản lý thế nào?

Liên quan tới câu chuyện thu thuế của Uber tại Việt Nam, trong chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với các hiện tượng mới của nền kinh tế?” do báo Vietnamnet tổ chức ngày 20/2/2017, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa - Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính, đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Theo đó, ông Tiến cho biết, cho đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Đọc nhiều nhất

Giá vàng hôm nay 22/01: Tăng “bốc đầu“?

Giá vàng hôm nay 22/01: Tăng “bốc đầu“?

Giá vàng hôm nay 22/01 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá vàng SJC, giá vàng 9999, giá vàng DOJI, giá vàng PNJ, giá vàng 24k, giá vàng 18k ra sao… sẽ được Tri thức và Cuộc sống cập nhật liên tục.

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.