Đến cuối những năm 1940, công nghệ hạt nhân quân sự mới xuất hiện được một vài năm. Chỉ có hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô là nắm giữ được một cách hoàn thiện thứ công nghệ siêu đẳng này. Những cũng chỉ cần 2 là đủ để bắt đầu một cuộc đua.
Ra đời từ cuộc chạy đua với Mỹ
Lúc bấy giờ, thứ vũ khí hạt nhân duy nhất là bom phân hạch, chúng được vận chuyển bằng các phi đôi hạt nhân như những gì xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki. Một quả bom nuốt chửng cả thành phố hoặc hơn, đó là thứ vũ khí chiến lược đáng sợ nhất cùng với đó là những hạn chế khi phải sử dụng đến máy bay ném bom cồng kềnh vì thế việc sử dụng chúng một cách “thường xuyên” trong chiến trường là điều không thể.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi Mỹ theo đuổi học thuyết hạt nhân mới, ở đó có các vũ khí hạt nhân loại “mini” hơn, có khả năng hủy diệt, có thể kiểm soát được đủ để xóa sổ đội hình quân địch, sử dụng tiện hơn, nhanh hơn tạm gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật (không giống các vũ khí thông thường khác, với vũ khí hạt nhân, khái niệm chiến thuật là rất tương đối).
Bắn thử nghiệm đạn hạt nhân từ siêu pháo kéo cỡ 280mm T-131 tại sa mạc Nevada, Mỹ. |
Người Mỹ đã thành công với việc hiện thực hóa học thuyết của mình vào năm 1952 khi họ cho ra mắt pháo bắn đạn hạt nhân cỡ 280mm T-131. Moscow lập tức tỏ thái độ vô cùng giận dữ. Xuất hiện rất nhiều các bài báo Liên Xô đề cập đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ diễn ra tự nhiên hơn với sự xuất hiện của loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mới. Tuy tỏ sự phản đối kịch liệt nhưng điện Kremli cũng hiểu rằng đây là quá trình tất yếu, không thể đảo ngược và họ cần phải tham gia vào cuộc chạy đua này nếu không muốn lợi thế nghiêng về phía Mỹ.
Cũng giống như đối thủ của mình, các nhà khoa học Quân đội Liên Xộ chọn đại pháo là phương tiện mang-bắn vũ khí hạt nhân, lý do rất đơn giản vì đó là phương tiện ưu việt nhất thời đó, cuộc chiến tranh vĩ đại họ vừa trải qua – chiến tranh thế giới thứ 2 là những cuộc đọ sức của pháo chiến: pháo mặt đất, pháo hàng không, pháo trên xe thiết giáp, pháo hạm...
Cũng phải nói rằng, công nghệ tên lửa rất tiềm năng nhưng vẫn còn đang trong “trứng nước”, điều này giải thích việc sau khi lên nắm quyền năm 1953, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nikita Khrushchev tuy rất muốn loại bỏ những cỗ máy chiến tranh cồng kềnh thời Stalin những ông vẫn cho phát triển lực lượng pháo bắn đạn hạt nhân. Đây được gọi là những “siêu vũ khí”.
Có thể phân chúng ra thành 3 loại: pháo truyền thống (pháo), pháo cối và pháo không giật. Tất cả đều có cỡ nòng lớn hơn cỡ 280mm của Mỹ, lý do là các nhà khoa học Liên Xô chưa thể thu gọn đầu đạn hạt nhân đến ngưỡng đó.
Siêu pháo tự hành Kondensator trong cuộc duyệt binh năm 1957. |
Siêu pháo tự hành Kondensator-2P
Theo nghị quyết số 764-457 của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ban hành ngày 18/4/1955, chỉ thị phát triển đồng thời 2 loại gồm: pháo và lựu cối bắn đạn hạt nhân tự hành.
Thực tế thì công việc đã được Phòng thiết kế Trung Ương số 34 tại Lenigrad tiến hành từ năm 1954 dưới sự chỉ đạo của trưởng phòng Ilya Ivanovic Ivanov, nên cơ sở này hoàn thiện bản vẽ pháo hạt nhân ngay trong năm 1955. Hệ thống pháo mới được đặt tên mã là SM-54(2A3) hay biệt hiệu Kondensator-2P.
Hệ thống pháo nặng tới 64 tấn, dài 20m, bề ngang 3,08m, cao 5,7m. Pháo có tầm bắn 25,6km, tốc độ bắn 0,2 phát/ phút, dự trữ hành trình 200km, tốc độ tối đa 42 km/h, kíp lái 7 người.
Theo thiết kế, khi xạ kích để thay đổi góc phương vị phải xoay cả khung gầm xe. Việc này sẽ khiến độ chính xác của đường gắm không được cao. Để khắc phục người ta chế tạo một động cơ điện đặc biệt giúp tinh chỉnh lại góc xoay, động cơ này được điều khiển thông qua bộ vô lăng. Góc tà được điều chỉnh bằng bộ nâng - tời trực tiếp. Đạn chỉ được nạp khi nòng pháo cỡ 406mm được hạ ngang bằng một bộ nạp đặc biệt.
Đạn pháo hạt nhân RDS-41. |
Đạn mà SM-54 sử dụng là đạn RDS-41 nặng 570kg có sức công phá 14kiloton được phát triển bởi đội ngũ các nhà khoa học trẻ đứng đầu là Viện sỹ M. Lavrentiev. Công việc chủ yếu được thực hiện năm 1952-1953 tại cơ sở huyền thoại KB-11 - cái nôi của ngành vũ khí hạt nhân Liên Xô. Hiện nay nơi đây là Trung tâm hạt nhân Liên bang Nga, Viện toàn Nga nghiên cứu Vật lý thực nghiệm. Chương trình thử nghiệm đạn RDS-41 diễn ra lần đầu vào ngày 16/3/1956 tại bãi thử hạt nhân Semipalatinsk và đã đạt được thành công “vượt qua sức mong đợi”.
Khung gầm cho xe pháo khổng lồ được chế tạo bởi nhà máy Kirov mang tên Object 271 cải tiến lại khung gầm của xe tăng hạng nặng T-10M. Đây cũng là khung gầm cơ sở để phát triển nhiều loại khung bệ tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Những cải tiến đáng chú ý là thân xe được kéo dài hơn, tăng số bánh chịu lực mỗi bên lên 8 cặp, đồng thời là sự bổ sung hệ thống thủy lực giảm sóc mạnh. Nguồn động lực cho xe là động cơ diesel 12 xi lanh V-12-6B công suất 750 mã lực làm mát bằng chất lỏng.
Mẫu thử pháo Sm-E124 được sản xuất và thử nghiệm năm 1955 bới Nhà máy 221 MOS, được gắn lên khung gầm Object 271 ngày 26/12/1956. Năm 1957, các mẫu SM-54 đầu tiên rời cổng nhà máy Kirov đến thử nghiệm tại bãi pháo binh gần Leningrad trong những năm 1957-1959.
Cùng thử nghiệm tại đây với SM-54 trong thời gian này là pháo cối tự hành bắn đạn hạt nhân 420mm 2B1 Oka, biệt danh là Transformer. Đây là thiết kế đến từ Phòng thiết kế kỹ thuật Kolomma-KBM của tổng công trình sư Boris.I.Shavyrin. “Người vận chuyển” có tổng trọng lượng 55,3 tấn, dài 27, 85m, chiều rộng 3,08m, chiều cao 5,73 m. Sử dụng đạn cối 670kg, tầm bắn 45km, tốc độ bắn 0,2 phát/ phút. Đặc điểm khi xạ kích tương tự Kondesator.
Siêu pháo tự hành Kondensator-2P nặng tới 64 tấn. |
Cả 2 loại pháo tự hành này xuất hiện công khai lần đầu trong cuộc duyệt binh 1957 tại Quảng trường Đỏ. Và ngay lập tức tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Một số phóng viên nước ngoài khẳng định, đây chỉ là trò hù dọa của Liên Xô khi họ không thể tin nổi những cỗ pháo cỡ nòng “siêu khủng” như vậy lại có thể đặt gọn ghẽ trên các xe tự hành.
Thực tế là những mẫu pháo này đã vượt qua nhiều bài kiểm tra kỹ lưỡng. Các vấn đề được nghiêm túc nhìn nhận: sức giật lớn ảnh hưởng tới kết cấu khung thân, các bánh truyền chuyển động, sự liên kết của hộp số với các bộ phận khác đã được giải quyết không thật ổn. Bên cạnh đó, vẫn không thể giữ cho xe pháo đứng yên sau mỗi lần xạ kích. Thường thì cỗ máy bị giật lùi về phía sau vài mét.
Chết yểu vì quá bự
Sự xuất hiện của các cỗ pháo hạt nhân nhận được rất nhiều sự chú ý, người ta gọi đây là những “ngôi sao” tại những nơi chúng hiện diện. Tuy nhiên thời kỳ huy hoàng của chúng chỉ diễn ra ngắn ngủi.
Ngay năm 1960, chính Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra quyết định ngừng vô thời hạn công việc phát triển các dòng pháo hạt nhân. Cùng thời gian này, ở nửa bên kia Trái Đất, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố khai tử T-131. Tất cả chúng đều chưa kịp được sản xuất hàng loạt và chưa đạt được 10 năm phục vụ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, xét chủ quan chính là khả năng cơ động hạn chế của pháo hạt nhân không cho phép nó thích ứng được với chiến tranh hiện đại.
Kondensator-2P được đánh giá là rất cồng kềnh (nặng tới 64 tấn, chưa kể nòng pháo dài ngoằng), chậm chạp khiến chúng dễ biến thành "bia" trên chiến trường hơn là vũ khí làm kẻ địch khiếp sợ. |
Tuy là pháo tự hành nhưng SM-54 hay 2B1 quá chậm chạm, không theo nổi tốc độ hành quân của các sư đoàn thiết giáp, chúng tỏ ra quá khổ và ỳ ạch để có thể thâm nhập vào đô thị, vượt qua các gầm cầu và dễ dàng trở thành bia đạn cho các vũ khí nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn. Pháo của Mỹ thậm trí còn là pháo kéo.
Yếu tố khách quan là sự phát triển thần kỳ của công nghệ tên lửa chiến trường, tiêu biểu là dòng Luna. Tên lửa tuy đắt đỏ nhưng nhanh nhẹ, linh hoạt và chính xác hơn nhiều pháo, các xe phóng của chúng cũng nhẹ hơn và di chuyển nhanh hơn cho dù đầu đạn hạt nhân mang theo lớn hơn.
Bên cạnh đó còn là những đột phá trong công nghệ hạt nhân, cho phép thu nhỏ đầu đạn về kích thước chuẩn của các đầu đạn thông thường khiến chúng có thể được bắn ra từ các pháo đa năng nhỏ hơn.
Tuy mang phận “sao chổi” nhưng những cỗ siêu pháo hạt nhân độc đáo của Liên Xô cũng đã để lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý cho việc thiết kế các vũ khí sau này, đặc biệt là các pháo tự hành.