Ngày 24/2, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã bắt tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) và Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Ông Đặng Anh Quân bị bắt giam với vai trò đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty CP Đại Nam). Tiến sĩ Quân được coi là cố vấn pháp lý, tham gia các buổi livestream của bà Phương Hằng trong suốt thời gian gây náo loạn dư luận xã hội.
|
Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và nhà báo Hàn Ni. |
Bà Đặng Thị Hàn Ni được coi là nạn nhân khi bị bà Phương Hằng nhắc tên, xúc phạm (cùng một số người khác) trong các buổi livestream. Bản thân bà Hàn Ni cũng là một trong số những nguyên đơn tố cáo bà Phương Hằng đến Cơ quan CSĐT Công an TP HCM và Công an Bình Dương.
Tuy nhiên, bà Hàn Ni bị bắt xuất phát từ đơn tố cáo của chính bà Nguyễn Phương Hằng. Nguyên nhân là bà Hàn Ni cũng có nhiều buổi livestream bị bà Phương Hằng cho là đã có phát ngôn không đúng sự thật, xúc phạm, làm ảnh hưởng đến vợ chồng bà Phương Hằng, Công ty CP Đại Nam và quỹ từ thiện Hằng Hữu… và viết đơn tố cáo. Quá trình điều tra, CQĐT đã xác định, nhiều nội dung bà Hằng tố cáo bà Hàn Ni là có căn cứ, đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quyền tự do ngôn luận đã đi quá giới hạn ở một số người trong các cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội, hậu quả pháp lý khó tránh khỏi.
Sau các cuộc "khẩu chiến" qua livestream của nhóm người "có văn hóa", có "địa vị xã hội" trên mạng xã hội trong suốt thời gian dài gây náo loạn mạng xã hội. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng là cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn mạng, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân.
Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do dân chủ của mọi công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền về hình ảnh của công dân. Pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định để bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân.
Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận của chủ thể này sẽ bị giới hạn bởi quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác của chủ thể khác. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, xâm phạm đến bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân hoặc sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác.
Do đó, nếu người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp để có những phát ngôn bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, tố cáo người khác không có căn cứ hoặc sử dụng các thông tin hình ảnh bí mật đời tư của người khác mà không được phép thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.
Có thể nói rằng trong khoảng 2 năm qua rất nhiều người đã lạm dụng tính năng phát trực tiếp của mạng xã hội để đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, tố cáo người khác ăn chặn từ thiện thiếu căn cứ dẫn đến náo loạn mạng xã hội, tạo ra những hội nhóm không ngừng thu thập trái phép thông tin của người khác rồi bịa đặt, vu khống ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng.
Bởi vậy, cơ quan điều tra vào cuộc xem xét xử lý đối với một số đối tượng có liên quan là cần thiết để đảm bảo danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân, bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật đời tư cá nhân của công dân.
Trong số những người tự dưng nổi tiếng trên mạng xã hội không thể không nhắc đến Nguyễn Phương Hằng, Đặng Anh Quân, Đặng Hàn Ni và một số người khác.
Điều đáng nói là những người này đều là những người có học thức, có hiểu biết xã hội, thậm chí có những địa vị xã hội nhất định. Tuy nhiên những người này đã có rất nhiều phát ngôn trái chiều, dẫn đến những luồng quan điểm khác nhau trên mạng xã hội, thậm chí có những lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của nhau, đưa ra những thông tin có tính chất tố cáo chưa được kiểm chứng tạo ra những mâu thuẫn trên không gian mạng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều đối tượng về cùng một tội danh là Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Theo quy định của pháp luật, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Hành vi của các bị can đã bị khởi tố cho thấy hành vi này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên các bị can này sẽ phải đối mặt với cùng một khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Mặc dù bà Nguyễn Phương Hằng, bà Đặng Thị Hàn Ni, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân cùng bị khởi tố về cùng một tội danh và cùng một khung hình phạt nhưng trường hợp các bị can này bị kết tội, mức hình phạt cụ thể đối với từng bị can sẽ khác nhau.
Theo quy định của bộ luật hình sự, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này, có thể sẽ có bị can phải chịu mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù, có những bị can có thể chỉ chịu hình phạt 2 năm tù. Thậm chí có bị cáo còn có thể được hưởng án treo tùy thuộc vào hành vi vi phạm pháp luật, mức độ nhận thức của hành vi, thái độ thành khẩn ăn năn và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác được vận dụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Đáng chú ý, sau khi cơ quan công an khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, đã có nhiều cảnh báo bà Đặng Thị Hàn Ni, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và một số người khác từ cơ quan chức năng và các chuyên gia pháp lý khi những người này có những phát ngôn, những hành động thiếu chuẩn mực, chưa được kiểm chứng trên không gian mạng.
Bà Đặng Thị Hàn Ni, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân đều là những người hiểu biết pháp luật nhưng không có chuyên môn về luật hình sự nên có lẽ vì thế mà không nhận thức được hành vi đi quá giới hạn của bản thân mình.
Hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam các bị can để điều tra. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của các bị can này. Làm rõ động cơ mục đích và đánh giá hậu quả của hành vi này đã gây ra cho xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi của các bị can này cũng có thể được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên khung hình phạt cũng có thể tới 7 năm tù.
Vụ việc đang trong quá trình điều tra, có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm một số đối tượng khác và làm rõ thêm một số tình tiết có liên quan, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nhà nước, với tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt, triệt để đối với các đối tượng vi phạm để giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo anh ninh an toàn mạng là cần thiết. Vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai sống ảo, quá đề cao cái tôi cá nhân mà xem về quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, tác động tiêu cực đến xã hội.
Trước đó, ngày 30/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng các công sự là Nguyễn Thị Mai Nhi (SN 1983, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (SN 1992, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (SN 1994, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng