Đình Tân Lân, nơi thờ danh tướng Trần Thượng tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Ngọc Quốc. |
Vì còn mang nặng “quốc nhục” là “phản Thanh phục Minh” nên tướng quân Trần Thượng Xuyên khuyến cáo đồng bào mình rằng đất này chỉ là nơi ở tạm, chờ thời cơ chín mùi quay về phục quốc, chứ không định cư mãi mãi được. Vì đã xác định ban đầu Biên Hòa chỉ là nơi tạm trú dài hạn nên khi xây cất nhà mới, lớp lưu dân người Hoa quyết không ăn tân gia để bày tỏ tấm lòng luôn hướng và mong muốn quay về cố hương.
Nhà báo Phạm Hoài Nhân có ghi lại ý kiến lý giải khác khá thú vị của nhà sử học Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai): Theo truyền thuyết thì nước Việt là nơi một con rồng trú ngụ, kinh đô Huế là đầu rồng còn mảnh đất địa nhân kiệt Biên Hòa là đuôi rồng. Nếu động thổ xây cất thì chạm tới đuôi rồng, rồng quẫy đuôi thì gia chủ không yên ổn nên khi dân Biên Hòa xưa không dám cúng kiến tạ ơn thổ thần thiên địa làm như thế chẳng khác nào báo cáo với trời đất là vừa xây xong một căn nhà trên đuôi rồng.
Sau này, một số lưu dân Việt từ miền Trung theo Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700) vào xứ Trấn Biên – Đồng Nai sinh sống rồi trong sinh hoạt hàng ngày đã giao thoa văn hóa với người Hoa. Từ đó, người Việt cũng dần “bắt chước” tục không ăn tân gia. Bởi thế điều cấm kỵ này lưu truyền cho hậu thế trong cả người Hoa lẫn người Việt mãi đến nay đã hơn 300 năm.
Người Biên Hòa “ghét” bận áo đỏ và đi xe màu đỏ
Có câu chuyện kể vui rằng vào thập niên những năm 90 thế kỷ XX, khi xe gắn máy bắt đầu nhập khẩu vào Việt Nam, các hãng xe mang xe tới bán tại Biên Hòa đều có chung một thắc mắc là tại sao xe màu nào cũng bán được, chỉ riêng xe màu đỏ là không ai hỏi mua? Thế nhưng, các chủ hãng xe không biết được một điều rằng dân Biên Hòa không “ưa” xe màu đỏ vì cho rằng mua xe màu đỏ thì chắc chắn chủ xe sẽ bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử còn không cũng bị té gãy tay, chân.
Khi chúng tôi hỏi tại sao dân Biên Hòa lại không bao giờ dám mặc quần áo màu đỏ và đi xe màu đỏ ra đường, điều này trái ngược với quan niệm lâu nay màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, ông Tám Hiền, Trưởng ban quý tế đình Tân Lân (nơi thờ danh tướng Trần Thượng Xuyên) giải thích giản đơn như sau: Chuyện kỵ màu đỏ cũng liên quan đến Trần Thượng Xuyên, người có công lao mở cõi và kiến tạo vùng đất Cù Lao Phố Biên Hòa dần hình thành thương cảng sầm uất nhất của miền Nam bấy giờ.
Thượng Đẳng Thần Trần Thượng Xuyên không những được lớp lưu dân người Hoa mà cả người Biên Hòa rất kính trọng gọi “Đức Ông”. Trên chánh điện đình Tân Lân, tượng Đức Ông bận phẩm phục màu đỏ rực. Bởi vậy, mới có chuyện người dân Biên Hòa không bao giờ dám lái xe sơn màu đỏ hoặc bận áo màu đỏ đi ngang ngôi đình linh thiêng để tránh bị “quở” phạt đồng thời để tôn sự oai nghiêm của Ngài.
Dù không có quy định nào thành văn bản của triều đình nhà Nguyễn nhưng từ binh lính đến dân thường đều không được sử dụng màu đỏ cho trang phục và phương tiện đi lại. Ai trái lệnh sẽ được xem là phạm thượng và sẽ bị trừng trị đích đáng, lính đem đánh đòn nên người ta nhắc nhở nhau đừng mặc đồ đỏ mà rước họa vào thân. Bởi vậy, lâu ngày thành thói quen, người Biên Hòa cứ kiêng màu đỏ đến nỗi thành “ghét”(?).
Hơn 300 năm trôi qua, những việc kiêng kỵ màu đỏ hoặc không ăn mừng tân gia của của dân Biên Hòa giảm bớt, một phần cũng do ảnh hưởng của lớp người di dân mới từ miền Bắc vào những năm 1954 - 1975. Một phần do thế hệ trẻ sau này quan niệm trong cuộc sống hiện đại dù “có kiêng mới có lành” nhưng những kiêng kỵ chỉ mang tính kế thừa tập tục của ông bà mà chưa có chứng cứ khoa học cụ thể nào nên cần được loại bỏ dần các hủ tục không cần thiết.